Trạm BOT đua nhau tăng phí: Sao không tính thu 1 lần?
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng có thể tiến tới thu phí BOT một lần thông qua tài khoản để loại bỏ tình trạng bất cập hiện nay.
- 05-01-2016Bộ Tài chính lên tiếng về đề xuất lùi thời hạn thu phí các trạm BOT
- 04-01-2016“Tăng phí qua trạm BOT là cần thiết”
- 09-11-2015Trạm thu phí BOT trên QL 6 tạm thời chưa thu phí với xe dân sinh
BOT bị băm nhỏ, thu phí không phù hợp
Liên quan đến việc nhiều trạm BOT đua nhau tăng phí thời gian qua khiến người dân và nhiều chuyên gia giao thông hết sức lo ngại, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết trách nhiệm một phần thuộc về Bộ GTVT và Bộ Tài chính.
Theo ông Thanh, việc huy động được sức dân và các nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng các trạm BOT là một bước đột phá lớn của Bộ GTVT vì nếu không có mô hình hợp tác kiểu này sẽ không thể có con đường tốt, tử tế để đi lại. Tuy nhiên hiện nay sau một thời gian đưa vào sử dụng, loại hình này đã bộc lộ ra nhiều bất cập cần phải nhanh chóng giải quyết.
“Thứ nhất, mức giá BOT hiện nay chưa phù hợp với sức chịu đựng của người dân, của nền kinh tế. Vì vậy nhà nước phải tính toán mức này thế nào đó cho phù hợp.
Thứ hai là BOT bị băm nhỏ ra quá, con đường bị cắt khúc nhiều quá, điểm dừng quá nhiều cho nên không phục vụ tốt nhất cho việc đi lại. Nhiều trạm ngăn nó lại thì hạn chế tốc độ xe chạy là không được”, ông Thanh nhận định.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng việc các trạm BOT tăng giá thời gian qua là theo lộ trình đã được sự chấp thuận từ phía 2 Bộ GTVT và Bộ Tài chính.
“Nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng các tuyến đường thì họ phải tìm cách thu hồi vốn. Việc tăng phí và giá vé chưa phù hợp thì các cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp nói cho nhà đầu tư biết để điều chỉnh mức thu cho phù hợp với người dân. Đứng trước tình hình đất nước khó khăn như hiện nay cũng phải tính toán thật thận trọng, phân tích cho nhà đầu tư thấy, thực hiện đúng để nhận được sự đồng tình của người dân”, ông Thanh khẳng định.
Lấy ví dụ từ thực tế những vụ phản ứng của người dân trước quyết định tăng phí của các chủ đầu tư xảy ra thời gian qua, vị chuyên gia tiếp tục phân tích: “Việc nhà đầu tư từ chối giảm phí cho người dân ở BOT Quán Hàu – Quảng Ngãi là xung đột lợi ích, nếu như quay lại như vụ dân phản đối tại trạm BOT Lương Sơn – Hòa Bình hay BOT Hạc Trì – Phú Thọ thì không ra gì cả.
Vì thế chính quyền địa phương có vai trò hết sức quan trọng, cần phải can thiệp và nhà đầu tư phải nghe theo tìm cách giải quyết.
Nếu các bên vẫn xảy ra xung đột thì cần kiến nghị lên Bộ GTVT, Bộ Tài chính rồi đưa lên Chính phủ. Cuối cùng các cơ quan quản lý mà không giải quyết được thì phải đưa nhau ra tòa. Về việc phân cấp quản lý là như thế”, vị chuyên gia nói.
Tính toán thu một lần, thanh toán qua tài khoản
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cũng hết sức chia sẻ với những bức xúc của người dân khi phải chịu những khoản phí BOT chưa phù hợp đồng thời cho rằng việc rà soát lại các trạm thu phí bất hợp lý như yêu cầu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là hoàn toàn hợp lý.
“Tôi nhất trí, hoàn toàn đồng ý với đề xuất trên. Thứ nhất, các cơ quan có thẩm quyền là Bộ GTVT, Bộ Tài chính phải có nhiệm vụ rà soát lại, tham mưu cho Chính phủ để nhổ những trạm BOT chưa hợp lý, giúp người dân và doanh nghiệp đi lại thuận tiện.
Thứ 2 cần phải tính lại mức thu. Xem xét chủ BOT đầu tư như vậy có đúng không, tổng mức quyết toán có đúng không, mức thu như thế trong thời hạn bao lâu có đúng không rồi cân đối tính toán để điều chỉnh lại cho phù hợp”, ông Thanh nhận định.
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực giao thông, vị chuyên gia cho rằng, hiện nay vấn đề bất cập còn tồn tại là khoảng cách giữa các trạm BOT còn bất hợp lý, khiến việc đi lại của người dân và doanh nghiệp bị cản trở.
“Khoảng cách 30, 40 km có một trạm BOT là bất hợp lý. Bây giờ phải tính toán lại để thu 1 lần rồi sau đó thực hiện chia nhau tiền. Khoa học kỹ thuật rất phát triển vì thế chúng ta hoàn toàn có thể tính toán chia được.
Như khi vào đường cao tốc, vào đầu đường lấy phí rồi chạy hết đường. Nếu ai xuống giữa chừng thì thu 20 km, xuống giữa chừng 60 km thì thu khoảng cách đó. Còn chạy hết thì tính toàn tuyến.
Đường Hà Nội – Thái Bình với 4 trạm thu phí hoàn toàn có thể áp dụng như thế. Chúng ta không áp dụng trạm thu phí như hiện nay mà tiến hành thu qua tài khoản. Chả phải dừng gì cả và vẫn có thể chạy 50-60km/h như bình thường”, ông Thanh nêu giải pháp.
Đất Việt