Tránh ăn chia tiền thuế: Phải tách riêng khâu ấn định thuế
Làm sao hạn chế tình trạng bắt tay chia chác thuế giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh? Nhiều ý kiến cho rằng phải tách riêng khâu ấn định thuế với thu thuế.
- 21-06-2015Chung chi cho cán bộ thuế, luật bất thành văn
- 19-06-2015Xử phạt doanh nghiệp 20 tỷ : Kiểm toán nói có, ngành thuế bảo không
- 19-06-2015TS. Nguyễn Đức Thành: Lo DN tư nhân sẽ “lụi” vì thuế, phí khi hội nhập
Sau câu chuyện “Nhức nhối chuyện ăn chia tiền thuế”, một vấn đề lớn hơn được đặt ra là thất thoát tiền thuế từ đối tượng hộ cá thể và làm sao hạn chế tình trạng bắt tay chia chác thuế giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh.
Là người nhiều năm công tác, gắn bó với ngành thuế, ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên trưởng phòng thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP.HCM, phó chủ nhiệm Câu lạc bộ đại lý thuế TP.HCM - nói:
- Hiện hộ cá thể nộp thuế theo phương thức khoán, do vậy cán bộ thuế dễ dàng thương lượng mức doanh thu với hộ kinh doanh. Chuyện móc ngoặc này không chỉ ở VN mà còn diễn ra tại nhiều nước. Việc này kéo dài thời gian qua dẫn đến thất thoát thuế nhà nước rất lớn, tiền thuế thay vì nộp vào ngân sách thì “chảy” vào túi cán bộ thuế.
Tình trạng “bắt tay” giữa cán bộ thuế và người nộp thuế không chỉ xảy ra ở hộ kinh doanh, mà còn phổ biến với doanh nghiệp (DN). Cán bộ thuế tìm những kẽ hở của DN, sau đó thông báo cho DN, nếu muốn lơ đi thì DN phải chung chi. Ngoài ra, có không ít cán bộ thuế “làm tiền” bằng cách hù dọa hoặc mời DN lên kiểm tra tại bàn, DN “yếu bóng vía” sau khi nghe cán bộ thuế vạch ra hàng loạt sai phạm của mình thì chỉ còn cách chung chi để êm chuyện.
Tiếc rằng khảo sát mới dừng lại ở đối tượng hộ kinh doanh với con số khiêm tốn 500 hộ. Nếu khảo sát ở khối DN sẽ cho ra nhiều vấn đề. Hiện số thu từ hộ kinh doanh chỉ chiếm 2% số thu ngành thuế, nên nếu cán bộ thuế có tham nhũng cũng chỉ là “ăn vặt”.
* Theo ông, vì sao dễ có sự móc ngoặc giữa cán bộ thuế và người nộp thuế?
- Với cơ chế hiện nay, cán bộ thuế “bám rễ” tại địa phương làm 5 - 10 năm, thậm chí hơn, quen biết hết hộ kinh doanh nên rất dễ có sự móc ngoặc, thương lượng. Tất nhiên cơ quan quản lý có giải pháp hạn chế thất thoát bằng cách giao chỉ tiêu và chỉ tiêu tăng theo mỗi năm, nhưng dường như không mấy hiệu quả.
Ở đây cũng phải nói thêm việc “bắt tay” này không chỉ cán bộ thuế có lợi mà hộ kinh doanh cũng có lợi vì được giảm mức thuế phải nộp. Nếu họ đóng “hụi chết” 500.000 - 1 triệu đồng/tháng thì họ phải được giảm thuế 5 - 10 triệu đồng, thậm chí hơn. Do cả hai bên cùng có lợi nên người nộp thuế không tố cáo.
Vấn đề là phải xác lập mức thuế khai cho đúng. Hiện mức khoán thuế thực hiện một lần vào đầu năm. Thường hộ kinh doanh có xu hướng kê khai doanh thu thấp để giảm số thuế phải nộp. Cán bộ thuế không đồng ý với doanh thu đó, hoặc do chỉ tiêu thuế cao nên cán bộ thuế phải đi điều tra để nâng doanh thu.
Như vậy hai bên sẽ phải thương lượng để đưa ra doanh thu phù hợp. Mà đã thương lượng sẽ có thỏa thuận, mỗi bên lùi một chút để cả hai bên cùng có lợi, chỉ có ngân sách bị thiệt. Do đó giải pháp là phải xây dựng phương pháp tính thuế phù hợp hơn, từ đó giảm bớt việc thỏa thuận ngầm.
* Vừa qua, một số giải pháp đã được đề xuất để giảm thiểu sự móc ngoặc chung chia. Từng nhiều năm đảm nhiệm vị trí chi cục trưởng, sâu sát với hộ kinh doanh, theo ông, những giải pháp đó có hiệu quả?
- Để hạn chế tình trạng móc ngoặc, thương lượng này, theo tôi, nên luân phiên có sự thay đổi địa bàn, đồng thời tách riêng khâu ấn định thuế và thu thuế. Theo đó, cho cán bộ thuế ở địa bàn này khảo sát và đưa ra mức thuế ở địa bàn kia, cán bộ thuế ở địa phương chỉ đảm nhiệm khâu thu thuế thay vì vừa ấn định vừa thu thuế như hiện nay.
Hiện nay cơ quan quản lý rất tin tưởng cơ chế giám sát thông qua hội đồng tư vấn thuế phường xã, tức là sau khi cán bộ thuế xác định thì đưa ra hội đồng để bàn, nhưng qua đợt khảo sát này cũng cho thấy cơ chế giám sát trên không hiệu quả, chỉ hợp thức hóa việc “đã thông qua tập thể”.
Nếu cơ chế không thực chất như vậy thì những giải pháp như tuyên truyền, đào tạo cán bộ... sẽ không hiệu quả, giải pháp luân chuyển cán bộ cũng chỉ giải quyết phần ngọn vì cán bộ thuế này đi, cán bộ thuế kia về, với cơ chế xác lập mức thuế như thế này thì cán bộ khác cũng sẽ “bắt tay” với hộ kinh doanh.
Cũng có ý kiến cho rằng nên khuyến khích người dân tố cáo nhưng như tôi phân tích ở trên, do người nộp thuế cũng có quyền lợi trong việc “bắt tay” này nên giải pháp khuyến khích tố cáo là không khả thi.
Giải pháp công khai thuế, tăng cường kiểm tra của cục thuế với chi cục cũng không mới, từ khi thành lập ngành thuế đã áp dụng nhưng không hiệu quả. Hơn nữa, dễ gì bắt được quả tang, nhất là với hình thức thỏa thuận ngầm như hiện nay.
* Chị Nguyễn Thị H. (chủ cửa hàng vải ở Hà Nội):
Muốn được yên ổn làm ăn
Chính sách không rõ ràng khiến nhiều khi rất bức xúc. Thực tế có tháng tôi đóng cửa không bán hàng cả chục buổi vì nhà có việc nhưng cán bộ thuế nói doanh thu tăng nên theo quy định, tiền thuế những tháng sau phải nộp tăng lên.
Nếu không chấp hành sẽ có đoàn kiểm tra đến làm việc. Thôi thì đằng nào cũng nộp và để không bị làm phiền thì gửi phong bì cho cán bộ thuế một chút, chỉ vài trăm ngàn đồng là xong, xem như mời họ ly nước vì cả năm họ mới xuống vài ba lần. Cái chính là chúng tôi muốn được yên ổn để còn làm ăn.
Hiện mọi khoản nộp từ thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân… nộp cho cán bộ thuế là 4 triệu đồng/năm. Còn trong buôn bán, tôi chỉ mong tiền thuế ổn định cả năm, không có chuyện tăng khi doanh thu tăng để người dân yên tâm kinh doanh. Thực chất doanh thu có tăng cũng chả đáng là bao, còn nếu doanh thu giảm thì đâu có được giảm tiền thuế.
* Bà Đặng Thị Bình An (nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan):
Tham nhũng thuế đa dạng
Thực trạng tham nhũng của cán bộ thuế đúng là khá đa dạng. Tôi xin kể câu chuyện là tôi vừa đi dạy ở Quảng Ninh, đi ăn trưa nhưng khi lấy hóa đơn thanh toán thì chủ cửa hàng nói tháng này họ thông báo đóng cửa để sửa chữa cửa hàng nên không được xuất hóa đơn.
Nhưng khi tôi hỏi tại sao nói đóng cửa mà vẫn bán hàng, cán bộ thuế biết thì sẽ phạt vì tội trốn thuế thì chủ cửa hàng trả lời bán hay không bán thì cán bộ thuế đều biết. Đó là hiện tượng trong thực tế đã xảy ra.
Một trong những giải pháp để ngăn chặn chuyện này là cần đảm bảo tiền lương cán bộ công chức, trong đó có cán bộ thuế. Giảm biên chế để đảm bảo tiền lương. Muốn đảm bảo lương không khó vì lâu nay nhiều người nói có không ít cán bộ công chức làm việc không hiệu quả, đi muộn về sớm.
L.THANH