Trợ giá năng lượng mang lại nhiều lợi ích cho người giàu hơn người nghèo?
Báo cáo cũng khẳng định cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi phải làm nhiều việc hơn là chỉ có tăng giá.
Báo cáo "Tăng trưởng xanh và Chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam - các kiến nghị về lộ trình cải cách chính sách" vừa được công bố đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng giá năng lượng ở Việt Nam đang thấp hơn so với thế giới và kiến nghị bỏ trợ giá năng lượng vì trợ giá mang lại nhiều lợi ích cho người giàu hơn người nghèo.
Báo cáo do chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố tại Hà Nội vào ngày 18/6.
Trợ giá mang lại nhiều lợi ích cho người giàu hơn người nghèo
Bà Michaela Prokop, cố vấn chính sách về kinh tế của UNDP cho biết, giá năng lượng ở Việt Nam đang thấp so với mức giá thế giới, chủ yếu do việc kiểm soát giá và đánh thuế môi trường thấp. Điều này mặc dù tạo điều kiện cho việc tiếp cận năng lượng một cách rộng khắp, song cũng là lực cản đối với mục tiêu về hiệu quả năng lượng và đầu tư cho sản xuất năng lượng xanh cũng như là nguyên nhân của tình trạng cắt điện thường xuyên.
Theo báo cáo, giá năng lượng của Việt Nam thấp so với các nước khác trong khu vực. Mặc dù đã có tăng giá đáng kể, giá bán lẻ trung bình không thay đổi trong giai đoạn từ năm 2008-2013, trên thực tế là thấp hơn so với thời kỳ 5 năm trước đó, khi tính theo giá cố định năm 2002 có tính đến các yếu tố lạm phát.
Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, trợ giá nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam dao động từ 1,2 tỷ đến 4,49 tỷ đô la Mỹ mỗi năm trong giai đoạn 2007-2012. Phần lớn trợ giá nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam là gián tiếp dưới nhiều dạng cung cấp khác nhau cho các nhà sản xuất và phân phối năng lượng, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
UNDP cho rằng Việt Nam có giá điện thấp và rẻ nhất khu vực. Ảnh: Hướng Dương |
Báo cáo khẳng định, “Trợ giá dẫn tới nguồn thu của Nhà nước bị mất đi và mức nợ của các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tăng lên, và người dân sẽ phải gánh nợ.Trợ giá gián tiếp giao động từ 1.2 đến 4.49 tỉ đô la Mỹ mỗi năm trong giai đoạn từ 2007-2012. Trợ giá mang lại nhiều lợi ích cho người giàu hơn người nghèo” và kết luận rằng “người dân Việt Nam phải trả một giá rất đắt cho trợ giá năng lượng”.
Báo cáo nêu rõ những lợi ích của việc dỡ bỏ trợ giá năng lượng: tăng hiệu suất năng lượng, đa dạng nguồn cung cấp năng lượng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng Việt Nam, tăng trưởng GDP, phát triển bền vững…
Tuy nhiên, phát biểu tại buổi công bố bà Phạm Chi Lan lại cho rằng báo cáo không nên khư khư cho rằng giá điện Việt Nam cần phải ngang bằng giá quốc tế vì thu nhập ở Việt Nam thấp hơn các nước rất nhiều. “Thu nhập ở Việt Nam thấp hơn Singapo hơn 35 lần tại sao chúng tôi phải trả giá điện bằng với họ”, bà Lan nói.
Một khi giá điện tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất đầu vào của các doanh nghiệp, giá cả hàng hóa tăng từ đó ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống người dân. Về vấn đề giá năng lượng Việt Nam đang ở mức thấp hơn so với Thế giới, bà Lan cho rằng báo cáo kết luận vậy là chưa xác đáng vì trên thực tế người dân đang phải trả tiền nhiều hơn vì giá điện liên tục tăng trong những năm qua.
Cải cách năng lượng phải gắn liền với cải cách DNNN
Tiến sĩ Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam cho rằng Việt Nam muốn phát triển theo hướng tăng trưởng bền vững thì cần thiết phải đẩy nhanh các nỗ lực cải cách năng lượng.
“Cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi phải cải cách tổng thể ngành năng lượng, bao gồm tăng cường năng lực cạnh tranh trong các thị trường năng lượng, nâng cao hiệu suất của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng và áp dụng mức giá minh bạch và theo định hướng giá thị trường,” tiến sĩ Mehta nói. Theo TS Mehta, cần phải có các biện pháp để bảo vệ người nghèo và dễ bị tổn thương (gần đây chính phủ có hỗ trợ tiền mặt) cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất từ những tác động ngắn hạn của việc tăng giá năng lượng.
Báo cáo cũng khẳng định cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi phải làm nhiều việc hơn là chỉ có tăng giá. Tự do hóa giá năng lượng trong điều kiện độc quyền và thiếu những quy định pháp lý mạnh và độc lập chỉ làm gia tăng tình trạng hiệu suất năng lượng thấp và vẫn không tháo gỡ được những rào cản chính đối với việc thu hút thêm đầu tư nước ngoài và từ khu vực tư nhân trong nước vào ngành năng lượng. Đặc biệt, báo cáo còn đưa ra các lựa chọn cải cách cụ thể cho từng vấn đề để có thể cải cách hiệu quả chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch.
Phát biểu lại hội thảo, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng việc cải cách tài khóa nhiên liệu hóa thạch sẽ khó thành công nếu không gắn liền với quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Theo bà Hồng, cuộc cải cách nhiên liệu còn nhiều trở ngại đặc biệt là việc Nhà nước vẫn duy trì nhiều dạng trợ cấp đối với nhiên liệu hóa thạch cả dưới dạng trực tiếp và gián tiếp. Nhà nước đã áp dụng một số công cụ kinh tế, biện pháp để gắn với chi phí môi trường và xã hội vào giá năng lượng nhưng chưa đầy đủ. Chính vì vậy, cải cách về năng lượng không thể tách rời cải cách DNNN, muốn thành công phải cải cách DNNN trước.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng nếu tự do hóa giá cả không đi cùng cải cách DNNN sẽ bất cập và ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội và nếu tăng giá nhiên liệu theo như chuyên gia UNDP khuyến nghị thì chỉ có lợi cho DN độc quyền mà bất lợi cho người tiêu dùng, thiệt hại cho sản xuất.
>> Muốn “tự do hóa” giá xăng, điện thì phải xóa độc quyền
>> Muốn “tự do hóa” giá xăng, điện thì phải xóa độc quyền
Theo Hướng Dương