MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

T.S Alan Phan: 5- 10 tỷ USD cho thị trường Việt Nam là nhỏ

Câu hỏi chính là chúng ta muốn thu hút loại vốn ngoại nào?

Đó là chia sẻ của ông Alan Phan khi trao đổi với chúng tôi về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và cơ hội của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khả năng thu hút vốn ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.

Việc cổ phần hóa các DNNN đang được Chính phủ thực hiện quyết liệt, ông có nghĩ thế không?

Nhìn lại một số doanh nghiệp nhà nước lớn được cổ phần hóa trong thời gian vừa qua tôi không cho rằng việc bán 3.5% của Viet Nam Airlines ( hay việc lên sàn của của ngân hàng Vietcombank bị đình trệ từ 2007) ra thị trường cổ phiếu quốc tế là một hành động “quyết liệt”.

Một khi nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối thì những nhà đầu tư ngoại không thể đánh giá chính xác giá trị của tài sản họ muốn mua. Việc này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam sau khi cổ phần hóa sẽ không tìm được những nhà đầu tư chiến lược, tham gia vào quá trình quản trị thực sự mà có chăng chỉ là những nhà đầu tư “lướt sóng”, kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.

Theo tính toán của một quỹ đầu tư, thì thị trường cần một lượng vốn rất lớn có thể lên đến 5-10 tỷ USD để hấp thụ được nguồn cung của doanh nghiệp cổ phần hóa trong giai đoạn sắp tới. Ông có nghĩ rằng đây là một số tiền khó có thể đáp ứng trong bối cảnh hiện nay đối với thị trường Việt Nam hay không?

Các nhà đầu tư ngoại luôn luôn có những lựa chọn rất đa dạng và phong phú. Với nguồn tư bản đang dồi dào trên toàn cầu, con số nhà đầu tư ngoại lên rất cao cho nhiều thị trường dù nhỏ bé hay đầy rủi ro. Tuỳ vào chiến lược đầu tư, mục tiêu của họ đều có thể được thoả mãn trong bất cứ tình huống nào. Do đó, một số tiền từ 5 đến 10 tỷ USD là khoản tiền khá nhỏ, dễ thu hút.

Câu hỏi chính là chúng ta muốn thu hút loại vốn ngoại nào? Ngắn hạn, chụp giựt, kiếm tiền nhanh rồi “exit”; hay các doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị bằng cách đầu tư dài hạn vào công nghệ, quản lý, hay cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường, tăng cường tài chính…

Tôi cho rằng, tỷ lệ sở hữu sẽ là một trở ngại lớn khi Việt Nam kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài.

Đang sinh sống ở Việt Nam, ông đã tìm được cơ hội đầu tư gì cho mình chưa?

Trong khoảng thời gian 7 năm vừa qua, tôi đi về Việt Nam khá thường xuyên từ trụ sở ở Hồng Kong.Tôi cũng đã đầu tư vào một công ty IT nhỏ ở Việt Nam, nhưng không thành công.

Tuy nhiên, đây chỉ là một thử nghiệm, tôi không lấy đó làm thước đo cho những cơ hội tiềm năng khác.Vì đang là giai đoạn khởi đầu của tiến trình kinh tế hội nhập quốc tế nên Việt Nam có rất nhiều cơ hội mà các nhà đầu tư ngoại ưa thích.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy kỹ năng và mục tiêu của chúng tôi không phù hợp với môi trường kinh doanh nơi đây.Tư duy và tầm nhìn của các doanh nhân địa phương khá khác biệt so với những đồng nghiệp quốc tế; và cơ chế pháp lý cũng như việc áp dụng luật lệ rất đặc thù; cần những điều chỉnh sâu rộng cho bộ máy đầu tư của chúng tôi.

Hiệu quả đầu tư không như mong muốn nên hiện các người kế nhiệm của tôi tại Hồng Kong đang chăm chú vào 2 thị trường ASEAN thích hợp hơn; đó là Indonesia và Philippines.

Dù vậy nhưng ông có thể nêu những tiêu chí của ông khi xác định đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam là gì?

Thực ra cũng không khác lắm so với các quỹ đầu tư có cùng tầm cỡ và mục tiêu. Chúng tôi chuyên đầu tư vào các công ty SME (vừa và nhỏ) có một vị thế thị trường ngách đặc biệt, hệ số tăng trưởng cao, ban quản lý trẻ, năng động, kiểm soát tài chánh chặt chẽ. Quan trọng hơn hết là khả năng đóng góp của chúng tôi để gia tăng giá trị công ty.

Chúng tôi hiện đầu tư vào khoảng 12 công ty, trung bình từ 5 đến 10 triệu USD mỗi công ty, thời gian đầu tư từ 2 năm đến 6 năm, và IRR mong muốn là 14% mỗi năm.

Còn ở góc độ là người kết nối đầu tư, trong năm qua, có tổ chức nào nhờ ông kết nối để tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở Việt Nam không?Vấn đề họ quan tâm chủ yếu là gì?

Rất nhiều bạn làm ăn của tôi trên thế giới đều bày tỏ ý thích về Việt Nam, nhất là có dịp ghé thăm tôi để cùng tìm hiểu về một xứ sở đã tạo ra nhiều sự kiện lịch sử trong thập kỷ 60 - 70. Nếu có cơ hội đầu tư, chắc họ cũng sẵn sàng.

Tuy nhiên, phần lớn kết luận là cơ chế hành chính không thích hợp, thị trường địa phương nhỏ hẹp và sự phát triển còn sơ khai. Họ nghĩ là Việt Nam cần thêm 15 đến 25 năm nữa mới để hoàn thiện môi trường kinh doanh.

Vậy theo ông trong năm tới, cơ hội để gọi vốn nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ như thế nào?

Cơ hội lúc nào cũng hiện diện, nhất là khi có những thay đổi ấn tượng về hướng đi của nền kinh tế. Càng nhiều thay đổi theo chiều hướng “toàn cầu” thì càng thu hút nhiều nhà đầu tư mới. Tuy vậy, tôi không nghĩ là kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi nhiều trong 2015.

Những công ty đa quốc từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc (như Samsung) …luôn tìm cơ hội để phát triển và Việt nam hiện tạo được nhiều quan tâm vì những ưu đãi dành riêng cho các dự án FDI.

Do đó, tôi nghĩ là số tiền nhận tư đầu tư FDI của Việt Nam có thể gia tăng tốt đẹp trong nhiều năm tới.

Xin cảm ơn ông!

Khánh Nhi  (thực hiện)

hanhle

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên