MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Lê Đăng Doanh: Phải minh bạch khi giải quyết đề xuất khai thác vịnh Hạ Long

Đây là đề nghị rất mới, gây ngạc nhiên, lúng túng cho dư luận và các cơ quan chức năng. Cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm đề án này, trong đó phải quan tâm đến 3 vấn đề cốt lõi.

Liên quan đến việc Tập đoàn Bitexco vừa trình đề án nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch vịnh Hạ Long và Bái Tử Long tại tỉnh Quảng Ninh trong vòng 50 năm, Một Thế Giới đã trao đổi với chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, xoay quanh lợi ích cũng như rủi ro khi giao tài nguyên di sản cho một doanh nghiệp tư nhân khai thác.

Thưa tiến sĩ, ông đánh giá như thế nào về đề xuất táo bạo này của Bitexco?

Đây là đề nghị rất mới, gây ngạc nhiên, lúng túng cho dư luận và các cơ quan chức năng. Cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm đề án này, trong đó phải quan tâm đến 3 vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất, vịnh Hạ Long là di sản thế giới nên việc quản lý, gìn giữ là trách nhiệm của Nhà nước, chứ không mang tính chất thuần túy thương mại. Việc bảo toàn môi trường vịnh Hạ Long như thế nào, cảnh quan ra sao, khai thác du lịch thế nào cho phù hợp... cần nghiên cứu và bàn bạc rõ ràng, cụ thể.

Thứ hai, trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn du lịch, cứu nạn cứu hộ, phòng cháy chữa cháy... sẽ được giải quyết ra sao? Đây cũng là những vấn đề chúng ta phải quan tâm đến dù vịnh Hạ Long do doanh nghiệp tư nhân hay Nhà nước quản lý.

Thứ ba, Hạ Long là vịnh tiền tiêu, giáp ranh với Trung Quốc, mà Trung Quốc đang có đường lưỡi bò 9 đoạn, có tư tưởng đòi bá chiếm biển Đông. Cho nên vấn đề an ninh, quốc phòng cần được lưu tâm thực sự, nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Hạ Long là vịnh tiền tiêu, giáp ranh với Trung Quốc, mà Trung Quốc đang có đường lưỡi bò 9 đoạn, có tư tưởng đòi bá chiếm biển Đông. Cho nên vấn đề an ninh, quốc phòng cần được lưu tâm thực sự, nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.


Trên thế giới đã có mô hình một công ty đứng ra nhận quản lý sân bay hoặc quản lý bến cảng, tuy nhiên đứng ra quản lý cả một di sản văn hóa như vịnh Hạ Long thì tôi cho là một vấn đề mới và rất phức tạp. Mọi yếu tố cần phải xem xét cẩn trọng, có ý kiến giám sát, phản biện độc lập trước khi đi đến quyết định cuối cùng.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra những quan điểm ban đầu về đề xuất của Bitexco. Tuy nhiên, vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên mang tầm cỡ thế giới, nếu chỉ một mình Quảng Ninh được toàn quyền xem xét, giải quyết liệu có phù hợp không, thưa ông?

Theo tôi, việc có chấp nhận cho Bitexco nhượng quyền khai thác vịnh Hạ Long hay không phải có ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành chứ Quảng Ninh không thể tự quyết. Bởi vì vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực văn hóa, môi trường, kinh tế, du lịch, pháp lý... nên phải được xem xét thực sự kỹ lưỡng.

Dư luận lo ngại nếu một doanh nghiệp tư nhân được trao quyền quản lý, khai thác vịnh Hạ Long đến 50 năm họ chỉ có thể nhìn thấy lợi ích riêng trước mắt. Trong khi đó, còn nhiều người dân bản địa đang gắn bó cuộc sống với nơi này có nguy cơ bị đe dọa. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Quyền lợi của những người dân kinh doanh nhỏ lẻ, vốn gắn bó với cuộc sống với khu du lịch vịnh Hạ Long liệu cần được tính toán kỹ; nhằm tránh việc khi doanh nghiệp được cấp quyền khai thác thì độc chiếm, gây trở ngại cho cuộc sống của người dân địa phương.

Như tôi đã nói ban đầu, tất cả đề nghị của Bitexco phải được đưa ra xem xét và phân tích, chứ không thể nào giải quyết qua loa, đơn giản, chỉ theo đề xuất của doanh nghiệp được. Sự phản biện, việc tổ chức các cuộc hội thảo để bàn luận công khai, minh bạch là cần thiết. Chứ chúng ta không thể "đóng cửa" giải quyết, cũng không thể gạt bỏ ngay đề nghị của Bitexco.

Thận trọng, khách quan, minh bạch là yếu tố rất quan trọng trước khi quyết định một vấn đề. Trên hết, cần phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu chứ không thể đặt thấp hơn hoặc ngang hàng với lợi nhuận, lợi ích thương mại.

Theo Duyên Duyên

thunm

Một thế giới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên