TS Lê Đăng Doanh: Phải quy trách nhiệm cá nhân trong dự án bauxite
Theo TS Lê Đăng Doanh, quyết định “đâm lao nên phải theo lao” của Vinacomin khi kiên trì tiếp tục làm 2 dự án Bauxite, về mặt kinh tế học là không thể chấp nhận được.
Không thể chấp nhận được!
Thưa TS, sáng nay Vinacomin vừa tổ chức họp báo về những vấn đề liên quan đến hai dự án bauxite ở Tây Nguyên là Tân Rai và Nhân Cơ, theo đó cho hay rằng họ quyết định không dừng lại mà vẫn tiếp tục hai dự án bauxite ở Tây Nguyên. Là một chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về hiệu quả của các dự án này, ông nghĩ sao về điều này?
Trước các ý kiến đóng góp rất có tinh thần xây dựng, có căn cứ của các nhà khoa học. Vinacomin bây giờ mới tổ chức họp báo với những lí lẽ không đi vào những điều mà các nhà khoa học chỉ ra mà lại đưa ra những lập luận một chiều. Tôi nghĩ cần tổ chức một cuộc đối thoại song phương và hai bên cùng nói về những lập luận mà các nhà khoa học trình bày, như thế mới sáng rõ mọi vấn đề ra được.
Còn nếu Vinacomin lập luận đâm lao phải theo lao, đứng về kinh tế học là không thể chấp nhận được. Bởi vì anh đã thua lỗ mà càng tiếp tục dấn vào thì anh càng thua lỗ chứ có ích lợi gì đâu. Giống như Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đánh trận Điện Biên Phủ, dù rất vất vả để kéo pháo vào rồi, nhưng xem xét tình hình thấy không thể “đánh nhanh thắng nhanh” được như dự định, Đại tướng đã quyết định kéo pháo ra, chuyển sang “đánh chắc thắng chắc”.
Cái trách nhiệm và khôn ngoan của người cầm quân, người lãnh đạo là ở chỗ đó. Đã có sai lầm, đã có thua lỗ thì phải dừng lại và tìm phương án khác. Nếu không sau này có hậu quả thì trách nhiệm không gánh vác hết được.
Phải quy trách nhiệm cá nhân
Sáng nay, khi khẳng định dự án hiệu quả nên sẽ không dừng lại, đại diện Vinacomin có nói “ Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước”. Ông bình luận gì về ba chữ “chịu trách nhiệm” đang nói ở đây?
Chỉ nói theo giải thích, tính toán của tập đoàn, thì hai dự án này phải 12-13 năm nữa mới thu hồi vốn. Sau thời gian đó nếu sự việc không diễn ra như vậy thì sao? Kể cả khi thua lỗ nặng, họ chắc gì đã còn ngồi ở đó mà “chịu trách nhiệm”.
Tôi nghĩ lúc này Vinacomin cần có tinh thần cầu thị, cầu thị ở đây là cần có người đứng ra gánh vác tránh nhiệm, trách nhiệm xem xét và ra quyết định xem có dừng lại hay tiếp tục. Và nếu tiếp tục mà thua lỗ thì người đó phải có trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội, trước nhân dân về hiệu quả của đồng vốn đã bỏ ra, bao gồm cả trách nhiệm về mặt tài chính, về mặt hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự.
Xin cảm ơn TS!
Hồng Anh