MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Lê Xuân Nghĩa: Ước tính đến nay đã xử lý được khoảng 1/3 nợ xấu

Theo Ts. Nghĩa một giải pháp đẩy nhanh xử lý nợ xấu là 5 NH liên kết lập gói tín dụng lên tới 70.000 tỷ đồng hoặc trên 100.000 tỷ đồng tài trợ cho lĩnh vực hạ tầng quan trọng và phát triển nhà ở.

Ngày 21/02/2014, tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2014: Vấn đề và giải pháp cho doanh nghiệp” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã có những chia sẻ về nhiệm vụ chủ chốt năm 2014 – Đẩy nhanh xử lý nợ xấu.

Theo Ts. Lê Xuân Nghĩa, năm 2013 tăng trưởng tín dụng là 12,4%, nhưng tăng trưởng tín dụng ròng đạt rất thấp bởi tác động của lạm phát và tăng trưởng do lãi nhập gốc. Điều này có nghĩa đầu tư của doanh nghiệp nội địa cũng rất thấp. Điều đó tạo ra yếu thế, mức độ lan tỏa đầu tư công vào khu vực tư nhân rất thấp. Vì vậy xử lý nợ xấu và phá băng thị trường tín dụng là vấn đề quan trọng, then chốt nhất của năm.

Năm 2013, tảng băng thị trường tín dụng bắt đầu tan. Phá băng thị trường tín dụng phải gắn liền với xử lý nợ xấu, gắn liền với xử lý nợ xấu phải có sức mạnh tiền tệ, khả năng tài chính.

Đến thời điểm này với sự nỗ lực của NHNN và NHTM, theo đánh giá của chúng tôi, chúng ta đã xử lý được 1/3 số nợ xấu,  bằng biện pháp sử dụng tài khoản dự phòng rủi ro, hạch toán ngoài bảng …”- Ts. Nghĩa cho biết.

Thủ tướng cho rằng, sắp tới phần còn lại phải được xử lý nhanh hơn, hiệu quả hơn, và nhất thiết phải tạo ra được mối quan hệ lành mạnh- hiệu quả giữa doanh nghiệp và Ngân hàng để tận dụng được cơ hội đầu tư mới.

Giải pháp để thúc đẩy việc xử lý nợ xấu cũng được Ts. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ tại Hội thảo. Theo đó, có 3 nhóm giải pháp chính:

(i) Nguyên nhân xử lý nợ xấu chậm trước hết là do chúng ta không có tiền. Ngân sách NN tuyên bố không có tiền; Quốc hội tuyên bố không được dùng tiền của NSNN để xử lý nợ xấu của các NH. Điều này đồng nghĩa chúng ta buộc phải dùng tiền của NHNN. Đây là một giải pháp mà UBGSTC đã trình bày theo khuyến cáo của Đại học Harvard với Thủ tướng.

Việc sử dụng tiền của NHNN, chúng không thể dùng một cách mạnh mẽ và nhanh chóng được do nguy cơ làm lạm phát tăng trở lại, đe dọa đến sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Và nếu dùng tiền của NHNN chúng ta phải chấp nhận tăng trưởng kinh tế trong một vài năm tới chỉ ở mức trung bình, tối đa không quá 6%.

Trong 2 năm qua, chúng ta đã xử lý nợ xấu khá quyết liệt, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mạnh. Thực tế cho thấy rằng chúng ta không thể đi nhanh hơn được. 

(ii) Tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Vốn hiện tập trung vào khu vực DNNN rất lớn nhưng hiệu quả rất thấp. Cải cách DNNN cho thấy Việt Nam thực sự cải cách, thực sự có tiến bộ thể chế - nền tảng kinh tế xã hội. Chúng ta sẽ giải tỏa các rào cản về mặt pháp lý, kỹ thuật để đẩy nhanh quá trình CPH các DNNN; công khai lộ trình; minh bạch từng khâu của quá trình CPH.

(iii) Phục hồi lại thị trường BĐS. Thị trường bất động sản Việt Nam hiện rất xấu, nhưng là thị trường nền tảng, chiếm tỷ trọng lớn của nền kinh tế. Vì vậy, chúng ta phải phục hồi, chấn chỉnh, minh bạch hóa mới phục hồi được các thị trường tài sản khác, đặc biệt là xử lý nợ xấu nhanh hơn.

Thị trường bất động sản ấm lên là dấu hiệu rất quan trọng để các nhà đầu tư nhìn nhận rằng kinh tế đang phục hồi. Giải quyết vấn đề của thị trường BĐS có 2 nội dung:

Một, về chính sách: Chính phủ chỉ đạo NHNN và Bộ Xây dựng bắt đầu sửa lại thủ tục liên quan quy định của gói 30.000 tỷ đồng như: thay đổi tên Nhà ở xã hội nhằm đạt được người tiêu dùng rộng rải hơn, sửa lại cơ chế xác nhận đã có nhà ở thành xác nhận nơi cư trú, tăng kỳ hạn cho vay và giảm lãi suất cho vay – giảm mạnh hơn, cho phép vận dụng rất linh hoạt dựa trên giá bán chứ không phải diện tích căn hộ, tránh gian lận về giá và diện tích. Các sửa đổi này sẽ được công bố trong quý I/2014.

Hai, một hướng khác là 4 ngân hàng quốc doanh liên kết với Ngân hàng Xây dựng thành lập gói tín dụng có thể lên tới 70.000 tỷ đồng hoặc trên 100.000 tỷ đồng tài trợ cho lĩnh vực hạ tầng quan trọng và phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình không nhất thiết là cán bộ, cho sửa nhà, cơi nới nhà ở…trong phố nhằm phục hồi thị trường xây dựng mạnh mẽ hơn, diện rộng hơn. Ngân hàng Xây dựng đóng vai trò là đầu mối, ngân hàng của người mua: nhà thầu, sản xuất vật liệu xây dựng... NHNN đã họp với 5 ngân hàng này.

Ông Nghĩa cho rằng, với sự phục hồi của thị trường xây dựng, sự ấm lên của thị trường bất động sản, nổ lực của các NH kỳ vọng xử lý nợ xấu sẽ được thúc đẩy nhanh hơn trong năm 2014. 

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên