MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Nguyễn Đình Cung: Việt Nam đang “làm khó” xuất khẩu

Thông thường, các nước đặt ra những quy định và hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu thì Việt Nam lại làm khó xuất khẩu. Tại sao khi người ta "cởi" thì mình lại "trói"?

Bên lề hội thảo về Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được tổ chức mới đây, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xung quanh câu chuyện về xuất khẩu gặp khó, nhiều loại thuế, phí vô lý tiếp tục “đổ” lên đầu doanh nghiệp…

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua?

Hiện nay chúng ta vẫn đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19, tháo gỡ rào cản đối với doanh nghiệp nhằm giảm chi phí, giảm rủi ro và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt trong điều kiện hội nhập. Qua theo dõi việc triển khai thực hiện, các Bộ đã có nhận thức, đã triển khai tích cực và đã đạt 1 số hiệu quả.

Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều tồn tại. Nhiều nơi, nhiều văn bản đặt ra những rào cản về xuất khẩu. Thông thường, các nước đặt ra những quy định và hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu thì Việt Nam lại làm khó xuất khẩu. Tại sao khi người ta "cởi" thì mình lại "trói"?

Nhiều trường hợp, bên nhập khẩu không yêu cầu thủ tục đó, kiểm tra đó, chất lượng như vậy nhưng bên Việt Nam lại đặt ra những yêu cầu về kiểm định, kiểm dịch với hàng xuất khẩu. Bên ngoài có thể đặt ra nhiều yêu cầu đa dạng thì chúng ta lại chỉ chọn 1,2 tiêu chuẩn để kiểm tra. Trong khi doanh nghiệp có thể đáp ứng những yêu cầu khác thì lại không được.

Vô hình chung, những yêu cầu này làm tăng chi phí, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. bên ngoài họ không yêu cầu thì tại sao trong nước lại đặt ra để làm khó doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay nhiều loại phí chồng phí đang tạo nên những gánh nặng cho doanh nghiệp. Ông nhận định thế nào về điều này?

Phần lớn vấn đề hiện nay nằm ở các Thông tư, mà Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành và sửa đổi của các Bộ. Do vậy, việc sửa đổi Thông tư chỉ nên kéo dài trong 1, 2 đến 3 tháng là cùng, đến 2 năm thì không cần thiết. Nếu các Bộ trưởng quan tâm chỉ đạo quyết liệt thì một quý là có thể giải quyết được.

Bên cạnh đó, nhiều sửa đổi không bám sát tinh thần chung nên không đạt yêu cầu. Khi các quy định chồng chéo từ những Thông tư có hiệu lực chưa được sửa đổi, gỡ bỏ thì hàng loạt các Thông tư mới lại được ban hành, tạo nên những rào cản, chi phí khác.

Doanh nghiệp cũng như người dân đang phải chịu rất nhiều loại phí vô lý. Một lô hàng mà “cõng” trên 40 triệu tiền phí là con số quá lớn. Đôi khi lợi nhuận của lô hàng cũng chỉ đạt con số đó thôi. Thu phí như vậy sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa, không tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Điều lo ngại của tôi là việc triển khai còn chậm và chưa bám sát yêu cầu. Mục tiêu của Nghị quyết 19 rất cao, rất tham vọng. Đây là áp lực của hội nhập, áp lực của đổi mới, áp lực phải cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2016-2020.

Tiến trình hội nhập đang đến rất gần, song dường như doanh nghiệp Việt còn thiếu sự chuẩn bị cho tiến trình này. Ông đánh giá thế nào về những nguy cơ mà doanh nghiệp phải đối mặt trước thềm hội nhập?

Áp lực hội nhập quả thực rất lớn. Nếu hội nhập thành công, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng được cải thiện, thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, cái khó là sự chủ động của doanh nghiệp.

Năm 2014, chúng ta đã thực hiện quyết liệt việc cải thiện môi trương kinh doanh. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra cho năm 2015 còn tham vọng hơn nhiều, từ ASEAN 6 nhảy lên ASEAN 4 là một bước tiến. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm lớn.

Ở quý đầu năm, việc cải thiện môi trường kinh doanh của chúng ta mới “dịch”, còn muốn “chuyển” được phải chờ đợi ở các quý sau.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên