MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Phạm Chi Lan: Niềm hy vọng của năm 2014 đến từ Thông điệp đầu năm của Thủ tướng

Tôi cho rằng lựa chọn của Chính phủ là hết sức xác đáng, đúng với lĩnh vực mà chúng ta đang cần phải tập trung và nếu như năm nay làm được một cú huých, có thể thay đổi bức tranh nền kinh tế 2014.

Năm 2013 kết thúc với sự ra đi của hàng loạt Doanh nghiệp, trong đó có không ít Doanh nghiệp đã có quá trình hoạt động lâu năm. Sang năm 2014, bức Thông điệp đầu năm của Thủ tướng biểu lộ rõ quyết tâm thực hiện những cải cách mạnh mẽ và cần thiết. Điều này liệu sẽ đem lại hy vọng gì cho kinh tế Việt Nam? Hãy nghe chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ ý kiến của bà.

Thưa bà, bà có thể chia sẻ ý kiến của mình về con số 61.000 Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hay bị phá sản trong năm 2013 do Tổng cục Thống kê công bố?

Con số 61.000 Doanh nghiệp ngừng hoạt động trong năm 2013 là con số làm tôi rất giật mình. Đầu năm 2013 thì mọi người cũng kỳ vọng là tình hình kinh tế có thể có tiến triển tốt hơn. Cuối năm thì có đánh giá chung về GDP cũng cho thấy có tăng trưởng chút ít cho với năm ngoái nhưng do công nghiệp tăng trưởng rất thấp và nông nghiệp cũng gặp khó khăn lớn nên số Doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vẫn rất cao.

Điều rất đau là số Doanh nghiệp ngừng hoạt động trong năm 2013 là những đơn vị tương đối khá, đã có một quá trình hoạt động lâu năm, có sự trưởng thành nhất định nhưng họ cũng không chịu nổi những khó khăn thách thức nữa, và họ phải tạm ngưng hoạt động.

Tuy là có con số 77.000 Doanh nghiệp mới thành lập nhưng thực sự là không bù đắp nổi cái mất mát của số Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm, đã có đóng góp thực sự cho xã hội đã bị mất đi.

Bà đánh giá như thế nào về động thái của Doanh nghiệp trong năm 2013?

Tôi nghĩ rằng trong năm 2013, các Doanh nghiệp cũng đã nỗ lực hết sức mình để làm sao có thể vượt qua những khó khăn của bản thân họ cũng như chèo chống trong điều kiện chung của kinh tế vĩ mô. Nhưng những khó khăn cơ bản của họ vẫn chưa khắc phục được. Đó là những vấn đề như nhu cầu thị trường thấp, nhất là nhu cầu của thị trường nội địa. Xuất khẩu thì vẫn có thị trường đấy, nhưng thành tích xuất khẩu của Việt Nam tăng được 15% trong năm 2013 thì chủ yếu là của các nhà đầu tư nước ngoài.

Như vậy là có tới gần 67% xuất khẩu năm 2013 là do các nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu. Các Doanh nghiệp Việt Nam vẫn xuất khẩu được nhưng không cao bằng các nhà đầu tư nước ngoài. Vả lại, có một số mặt hàng bị chèn giá cả nên không thể nào lên được.

Ở đây, vấn đề chính là đầu vào tiếp tục tăng giá trong khi đầu ra không thể bán được với giá cao hơn. Doanh nghiệp không có lợi nhuận được, thậm chí lỗ, thì họ phải ngưng không làm nữa. Vì vậy cả thị trường trong nước và quốc tế đều trở nên khó khăn với họ.

Thứ hai, khó khăn của Doanh nghiệp vẫn nằm ở tín dụng với Ngân hàng. Mặc dù ngân hàng nhà nước đã có nỗ lực để giảm lãi suất xuống nhưng trên thực tế vẫn có nhiều Doanh nghiệp không vay được mức lãi suất công bố mà phải vay với mức cao hơn mức công bố 2-3% thậm chí 4-5%. Tính toán ra họ vẫn không thể hoạt động kinh doanh có hiệu quả được.

Chưa kể một số Doanh nghiệp có tồn nợ ở Ngân hàng nên không được vay tín dụng mới nữa mặc dù khả năng kinh doanh của họ vẫn còn đấy, thị trường vẫn còn đấy.

Vậy bà có dự cảm như thế nào về năm 2014 cũng như những năm tiếp theo?

2014 khách quan mà nói sẽ vẫn còn hứng chịu tất cả những di sản không tốt còn lại của năm 2013. Điều kiện kinh tế vĩ mô của chúng ta nói chung vẫn còn rất khó khăn mặc dù có bình ổn hơn trước. Chỉ số lạm phát và chỉ số tăng trưởng đã khá hơn so với năm trước. Về phía các Doanh nghiệp họ cũng không kỳ vọng là thị trường nội địa có những thay đổi mạnh.

Nhưng điều kiện về khu vực bên ngoài và toàn cầu thì tôi lại cho rằng có vẻ là sáng hơn so với năm 2013 khi mà các dự báo về sự phục hồi của kinh tế thế giới có tỏ ra lạc quan hơn. Trong nước, điều kiện mới xuất hiện đem lại nhiều niềm hy vọng cho mọi người là thông điệp đầu năm của Thủ tướng trong đó biểu lộ rất rõ quyết tâm của cá nhân Thủ tướng cũng như của Chính phủ là tập trung cao để thực hiện những cải cách rất mạnh mẽ và cần thiết ở Việt Nam. Đó là cải cách về hệ thống thể chế, môi trường kinh doanh, cải cách các DNNN, thúc đẩy sự phát triển của các Doanh nghiệp các khu vực cũng như là quyết tâm cao của Chính phủ tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp. Khi tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện được, nó tạo nên rất nhiều cơ hội cho các Doanh nghiệp ở lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ có thể tham gia.

Tôi cho rằng sự lựa chọn của Chính phủ là hết sức xác đáng, đúng với những lĩnh vực mà chúng ta đang cần phải tập trung vào nhiều nhất và nếu như năm nay làm được một cú huých trong việc tập trung tái cơ cấu như vậy có thể làm thay đổi bức tranh nền kinh tế 2014 cũng như tạo đà phát triển tốt hơn cho những năm sau.

Điều đó sẽ tạo niềm tin, kỳ vọng cho các Doanh nghiệp để họ có thể lấy lại sức sống của mình.

Bà đánh giá như thế nào vào việc thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ của nước ngoài vào Việt Nam?

Thực ra việc chuyển giao công nghệ của nước ngoài vào Việt Nam hiện nay vẫn ở mức độ thấp. Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì chúng ta cũng nhận thấy là bên cạnh con số lớn về vốn cam kết thì thành tựu về chuyển giao công nghệ gần như là chưa có gì.

Thẳng thắn mà nói thì ngay cả những ngành gọi là công nghệ cao của nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu vẫn là khai thác nhân công giá rẻ ở Việt Nam, làm những công việc đơn giản như lắp ráp chứ không có gì hơn. Tức là thay vì đạp máy khâu thì bây giờ chúng ta đang hàn mối hàn cho các sản phẩm cao cấp hơn để xuất khẩu ra bên ngoài. Vì vậy giá trị gia tăng tạo ra ở Việt Nam rất thấp. Tay nghề vẫn chủ yếu là tay nghề kỹ năng thấp và chuyển giao công nghệ gần như không có gì.

Hướng tới đây, các doanh nghiệp phải làm sao tiếp cận được với nguồn công nghệ tốt hơn, cũng như bản thân mình áp dụng những biện pháp sáng tạo, những cải tiến. Đừng coi thường những sáng kiến nhỏ vì ở mỗi doanh nghiệp đều có thể thấy là còn rất nhiều chỗ để cải tiến để làm cho hiệu quả hơn, năng suất lao động tốt hơn.

Từ những sáng kiến nhỏ của mình, bắt tay với các nhà công nghệ trong nước có thể cùng nhau vượt dần lên. Khi chúng ta có một trình độ công nghệ nhất định thì mới có thể hy vọng các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao. Chứ khi mà trình độ công nghệ của chúng ta còn quá thấp thì các nhà đầu tư nước ngoài có muốn cũng khó chuyển giao.

Tôi nghĩ rằng các Doanh nghiệp nên bắt tay vào việc tự mình cố gắng. Những Doanh nghiệp trụ vững được trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây đều là những Doanh nghiệp chú trọng vào công nghệ.

Xin cảm ơn bà.

Hải Minh (lược ghi)

trangntm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên