MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Vũ Đình Ánh: “CPI tháng 3 giảm mạnh thế cũng chẳng có gì đặc biệt!”

"Nếu tháng 4 và tháng 5, CPI sẽ tiếp tục âm thì năm nay sẽ quay lại giống năm 2000, 2001 chứ không phải giống như năm 2009" - Chuyên gia thị trường giá cả này nhận định.


Không có căn cứ để nói do sức cầu yếu


Khác với các nhận định quan ngại về sức cầu dẫn đến CPI tháng 3 giảm sâu, Chuyên gia về thị trường giá cả, TS Vũ Đình Ánh cho rằng “ giảm 0,44% thế cũng khá là bình thường. Không có gì đáng lưu ý”.

Về vấn đề tổng cầu, theo TS Ánh, “Cũng có thể cảm nhận tổng cầu hơi yếu. Tuy nhiên khó kết luận rằng đây là nguyên nhân kéo CPI xuống thấp đến mức phải lo lắng, vì không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy tổng cầu giảm, nhất là các số liệu thống kê cho thấy sức mua đang tăng chứ không giảm. Cụ thể hơn, chỉ có thể nói tổng cầu tăng chậm và sức mua trên thị trường chưa được phục hồi do những bất ổn vĩ mô.”

CPI tháng 3 giảm 0,44% so với tháng trước. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (Tháng 3/2009 CPI cả nước giảm 0,17% so với tháng trước).

Với kết quả này CPI cả nước tháng 3 chỉ tăng 0,8% so với tháng 12/2013, tăng 4,39% so với tháng 3/2013. 

So với tháng 2/2014:: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,96%); Nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm 0,74%); Giao thông (giảm 0,03%); Bưu chính viễn thông (giảm 0,03%).

Các nhóm hàng còn lại chỉ số giá tăng không quá 0,24% so với tháng trước
.

(Tổng cục Thống kê)


Phân tích rổ hàng hóa, TS Vũ Đình Ánh cho rằng “Thứ nhất là tháng 3 của năm nào, CPI thường cũng có xu hướng giảm,thấp nhất so với cả năm đó. Thứ hai là nếu nhìn vào chỉ số giá trong rổ hàng hóa tháng 3/2014 thì nhóm dẫn dắt giảm là nhóm dịch vụ ăn uống. Đặc biệt là lương thực – thực phẩm đều giảm, thậm chí giảm mạnh. Với nhóm giao thông và nhóm nhà ở, chất đốt, vật liệt xây dựng; thường những năm trước lạm phát cao là do nhóm này dẫn dắt tăng, thì tháng 3 này cũng giảm.

Các yếu tố gây tăng giá đều có xu hướng giảm sâu nên đưa đến mức giảm sâu của cả rổ hàng hóa tháng 3. Chưa kể các nhóm giáo dục và y tế thì chỉ số giá cũng lại gần như không tăng. Như vậy về mặt quy luật như đã thiết lập từ nhiều năm trước, việc giảm giá tháng 3 là khá phổ biến.

Các nguyên nhân bên ngoài thì cũng có thể là kết quả của các biện pháp kiềm chế lạm phát. Rõ ràng so với 2011 lạm phát tăng cao thì năm 2012, 2013 đều tăng dưới 7% và đan xen trong các tháng thì cũng có những tháng CPI âm. Vậy nên năm nay tháng 3 CPI âm thì cũng là bình thường.

Giá cả có thể tăng nhưng không có lạm phát

Trả lời câu hỏi của phóng viên về dự báo xu hướng CPI năm nay, cũng như những tác động của chính sách điều hành vĩ mô, TS Vũ Đình Ánh đưa ra những nhận định lạc quan. Bởi “2 năm trước lạm phát dưới 7% nên năm nay nếu muốn duy trì mức 7% là việc dễ dàng.”

Tuy nhiên theo ông Ánh, “Có thể cũng có hai xu hướng: một là trong giai đoạn 2012, các biện pháp điều hành đều hướng đến mức kìm lạm phát xuống dưới 7%, còn năm 2014 sẽ lại là cố làm sao cho nó lên đến 7%.

Hai nữa là nếu cố mà không đạt được, hay phản ứng của thị trường đi ngược lại chứ không thuận theo các biện pháp điều hành đó, thì năm nay sẽ rơi vào trạng thái như 2000, 2001 là lạm phát cả năm ở mức rất thấp. Xu hướng này có hay không thì sẽ thể hiện xu hướng quyết định ở các tháng 3,4,5. Tháng 3 CPI đã giảm sâu, nếu tháng 4 và tháng 5 mà lại CPI lại tăng âm, thậm chí tăng âm khá mạnh thì năm nay sẽ giống năm 2000, 2001 chứ không giống như năm 2009."

Theo ông Ánh, đặc điểm của năm nay là giá cả có thể tăng, nhưng không có lạm phát. Giá tăng bao nhiêu thì phụ thuộc vào các biện pháp điều hành cụ thể chứ không phụ thuộc nhiều vào điều hành vĩ mô. Ví dụ tăng giá xăng, tăng giá điện, tạm trữ lúa gạo... các biện pháp điều hành cụ thể này sẽ quyết định sự tăng giảm của chỉ số giá trong năm nay."

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên