MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

T.S Vũ Thành Tự Anh: Hoài nghi sự thành công của chương trình tái cơ cấu (1)

Chương trình tái cơ cấu vừa tốn chi phí, và quan trọng nó động chạm trực tiếp đến các nhóm đặc quyền đặc lợi. Các nhóm này sẽ cản trở làm quá trình tái cơ cấu chậm nhất, ít nhất có thể.

Cuối tuần qua, tại Tp. Hồ Chí Minh, VCBS tổ chức hội thảo "Kinh tế Việt Nam trước yêu cầu tái cơ cấu và Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán". Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright đã có những chia sẻ khá thẳng thắn về những vấn đề liên quan đến chương trình tái cơ cấu; sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Thưa tiến sỹ, ông có tin tưởng vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay hay không?

Thực tế tôi không có niềm tin đáng kể vào hai chương trình tái cơ cấu này. Vì những lý do sau:

Một, khi một chương trình tái cơ cấu không đặt ưu tiên hàng đầu là hiệu quả, lợi ích của cả nền kinh tế mà đặt ưu tiên vào  mục tiêu làm cho khu vực nhà nước trở thành chủ đạo, chủ lực, đóng vai trò then chốt, nòng cốt thì rất khó có thể thành công.

Trên thực tế nếu chúng ta nhìn lại nền kinh tế Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, chúng ta có thể chứng minh một cách thuyết phục khu vực DNNN là một phần nguyên nhân chứ không phải là giải pháp cho nền kinh tế.

Hay nói cách khác những sự kiện như Vinashin, Vinalines, hay một loạt sai sót quản lý vốn đầu tư, sử dụng nguồn tài chính công của Việt Nam ở trong những DNNN này đã tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô trong thời gian qua. Vì vậy, doanh nghiệp nhà nước không thể được coi là “cứu cánh” mà là một phần (quan trọng) của nguyên nhân dẫn đến vấn đề hiện nay.

Thế nhưng, mục tiêu tái cơ cấu vẫn làm cho nó trở nên trọng tâm, nền tảng, trụ cột, tiếp tục dùng nó như một công cụ điều tiết nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.  

Vì thực tế không tương thích với mục đích nên tính khả năng có được chương trình tái cơ cấu hiệu quả là khó.

Hai, tái cơ cấu bao giờ cũng đi với cái giá phải trả. Không có chương trình tái cơ cấu nào mà nhẹ nhàng và không tốn kém. Những vấn đề có tính cơ cấu và nội tại của nền kinh tế khó khăn như vậy, nên khi tái cơ cấu phải mất thời gian và hi sinh.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: trước hết phải xử lý nợ xấu. Nếu nợ xấu ở mức 10%GDP hay 13% như các tổ chức quốc tế tính toán thì khối lượng tiền chúng ta bỏ ra là không nhỏ.

Mô hình công ty mua bán nợ xấu/tương tự mà Chính phủ đang thảo luận không đủ nguồn lực để giải quyết khối lượng nợ xấu này. Vì vậy khi chi phí của nó quá lớn, rất khó để có được biện pháp xử lý nợ xấu một cách có hiệu quả.

Tương tự như vậy đối với DNNN như khoản nợ của Vinashin, Vinalines, Tập đoàn Sông Đà,.... nợ xấu của toàn bộ DNNN chiếm khoảng 50% tổng nợ xấu toàn hệ thống, nếu giải quyết Nhà nước phải bơm tiền, hoặc cổ phần hóa, hoặc sáp nhập...

Tất cả cái này nó vừa tốn chi phí, và quan trọng hơn nó động chạm trực tiếp đến các nhóm đặc quyền đặc lợi. Các nhóm đặc quyền, đặc lợi sẽ cản trở làm quá trình tái cơ cấu chậm nhất có thể, ít nhất có thể.

Đây là những lý do cơ bản nhất khiến tôi không mấy lạc quan về 2 đề án tái cơ cấu ngân hàng và DNNN.    

Chân thành cám ơn ông!

Phần 2: Cải cách để tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai 


Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên