MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Vũ Viết Ngoạn: Việt Nam tự chủ trước Trung Quốc nếu...

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu còn chậm;tình hình phát triển kinh tế còn phụ thuộc vào diễn biến trên biển Đông.

TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã chia sẻ những lo lắng về ảnh hưởng của việc Trung Quốc hạ giàn khoan xuống vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam như vậy.

Những yếu tố bất trắc, khó lường...

PV:-Thưa ông mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014, ông thấy có gì đáng lo ngại cho 6 tháng cuối năm 2014 và các năm sau nhất là khi tình hình biển Đông căng thẳng như vậy?

TS Vũ Viết Ngoạn: -Tạm thời nếu chúng ta bỏ qua những yếu tố bất trắc khó lường để tính các cơ sở thông số từ cuối năm 2013 đến nay thì có thể nói rằng kinh tế của Việt Nam có những yếu tố nền tảng đã tiến triển rất tốt.

Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, vững chắc hơn. Tăng trưởng kinh tế khá hơn nhiều so với năm 2011, 2012. Tất nhiên chúng ta còn nhiều việc phải làm để ổn định, bền vững hơn, song tình hình doanh nghiệp đã khá hơn rất nhiều.

Cụ thể cuối năm 2013 đầu 2014 thu ngân sách nội địa đã tăng lên rất khá. Doanh thu của hơn 600 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đầu năm nay đã tiến triển tốt. Các chỉ số rất quan trọng để đánh giá được là quy mô, khối lượng vận chuyển hàng hóa, bảo hiểm phi nhân thọ, sản lượng tiêu thụ điện… đều có những tăng trưởng khá. Điều đó cho thấy kinh tế của chúng ta đang có chiều hướng chuyển động tích cực.

Khi chúng tôi áp dụng mô hình kinh tế lượng đánh giá cũng cho kết quả tương đồng với các chỉ số này.

PV:-Ông có nói tới các yếu tố bất trắc khó lường, vậy cụ thể đó là gì? Với sự căng thẳng trên biển Đông hiện nay có ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Việt Nam thưa ông?

TS Vũ Viết Ngoạn:- Những tố bất trắc và khó lường trên thế giới và khu vực như thiên tai, dịch họa và chiến tranh. Ví dụ khu vực Ukraine cũng là diễn biên trong mối quan hệ châu Âu có thể gây những tác động về giá dầu lửa, khí và từ đó tác động lên nhiều quan hệ thương mại khác ở châu Âu cũng như trên thế giới.

Còn sự căng thẳng trên biển Đông thời gian qua chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến của các định chế tài chính quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam. Họ thể hiện sự lo lắng, băn khoăn.

Những vụ lợi dụng mít tinh, biểu tình rồi phá hoại doanh nghiệp khiến Việt Nam phải bỏ ra một khoản tiền nhất định để bồi thường cũng có ảnh hưởng đến ngân sách nhưng không nhiều. Còn nói tác động tới quy mô của nền kinh tế cả năm thì cũng không tác động nhiều.

Cho đến nay với các giải pháp kịp thời đã củng cố được lòng tin của nhà đầu tư. Tới đây lòng tin của các nhà đầu tư tiếp tục đặt vào Việt Nam thì mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn.

Còn tăng trưởng kinh tế hiện nay tôi cho rằng chúng ta phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu của chúng ta còn chậm.

Tới đây tôi cho rằng tình hình phát triển kinh tế còn phụ thuộc vào diễn biến, tình hình trên biển Đông. Nhưng theo nhận đinh của cá nhân tôi thì giải pháp của Đảng và Chính phủ xử lý với mục tiêu đưa ra là duy trì hòa bình, ổn định nhưng đồng thời đảm bảo độc lập chủ quyền của Tổ quốc, thì tin rằng chúng ta sẽ duy trì được ổn định. Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là địa chỉ đầu tư tin cậy.

Phải nghiên cứu sản xuất trong nước

PV:-Thưa ông hiện tỉ lệ vốn đầu tư FDI của Trung Quốc tại Việt Nam là bao nhiêu và ông nhận định thế nào về sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam đối với Trung Quốc? Hiện tại chúng tanên làm gì, thưa ông?

TS Vũ Viết Ngoạn:- Theo tôi biết thì tỉ lệ vốn đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam không nhiều. Hiện nay xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 25-28%.

Tuy nhiên hiện quy mô thương mại của Việt Nam với Trung Quốc cũng khá lớn. Tôi cho rằng đây cũng là sự tương quan lực lượng cho cả Việt Nam và Trung Quốc và mối quan hệ thương mại đó sẽ tiếp tục được duy trì.

Để giảm nhập siêu của Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài quá nhiều, cũng như nhập khẩu từ Trung quốc quá lớn, hiện nay quan trọng vẫn là tái cơ cấu nền kinh tế. Cụ thể, chúng ta xuất khẩu sang TQ những mặt hàng gì và nhập khẩu gì là chủ yếu.

Nông sản của Việt Nam xuất sang TQ chiếm tới hơn 30% nhưng đồng thời nhập từ TQ nhiều máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất như dệt may, da giày. Ngoài ra, chúng ta còn nhập khẩu cả những mặt hàng mà trong nước hoàn toàn có khả năng sản xuất được.

Vì vậy, phải nghiên cứu phát triển sản xuất trong nước, tập trung vào mặt hàng ta toàn hoàn có thể chủ động được. Không nhất thiết phải nhập những mặt hàng đơn giản như tăm tre, đũa…

Nhập cho nguyên liệu sản xuất cần cân nhắc, nghiên cứu để đa dạng hóa thị trường. Đa dạng hóa thị trường thì cần có thời gian. Thực tế, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc hiện nay phục vụ cho dệt may, da giày hiện nay có giá khá cạnh tranh.

Một điểm quan trọng cần thay đổi là hàng công nghiệp phụ trợ của chúng ta hiện nay đang kém. Chúng ta sản xuất những mặt hàng mang tính gia công, lắp ghép, nên cứ nhập nguyên liệu, phụ liệu nước ngoauf về lắp ráp thì hết sức nguy hiểm. Giá trị gia tăng thấp dễ dẫn đến nhập siêu.

Cùng với đó, chúng ta phải đa dạng hóa các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… cùng với họ phát triển công nghiệp phụ trợ, giúp VN tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu thì sẽ góp phần cho chúng ta hạn chế nhập siêu ở một số thị trường.

PV: -Phải chăng do hàng Trung Quốc nhập vào Việt Namchưa có rào cản kỹ thuật nào nên tràn ngập thị trường của chúng ta?

TS Vũ Viết Ngoạn: -Chúng ta cần phải nghiên cứu các hàng rào kỹ thuật. Khi áp dụng hàng rào kỹ thuật nào phải không ảnh hưởng đến chính chúng ta.

Chúng ta nghiên cứu các hàng rào kỹ thuật từ vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng hàng hóa… Đồng thời với đó, chúng ta phải thay đổi kết cấu hàng hóa của ta để đảm bảo chuẩn mực.

PV:-Theo ông để kinh tế đỡ phụ thuộc vào Trung Quốc thì Việt Nam cần chuyển hướng như thế nào cho có hiệu quả nhất?

TS Vũ Viết Ngoạn: -Trước hết phải khẳng định, mục tiêu Chính phủ cũng đã đặt ra là duy trì ổn định và hòa bình. Đó là vì lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc và cả khu vực.

Trong khi đó các nền kinh tế phụ thuộc nhau. Bản thân TQ cũng cần có sự phát triển, ổn định trong mối tương quan thương mại, kinh tế, chính trị, ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới.

Tuy nhiên để bớt phụ thuộc vào các nền kinh tế khác Việt Nam cần triển khai mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, chủ động nguồn nguyên vật liệu để kinh tế từng bước phát triển vững chắc hơn.

Đây là lúc chúng ta tạo điều kiện cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và mọi chủ thể (gồm nhà đầu tư nước ngoài và trong nước), đồng thời chúng ta có giải pháp hết sức tinh tế, tạo các chủ thể trực tiếp là người trong nước có điều kiện phát triển.

PV:-Vậy chúng ta sẽ phải mất bao lâu để tự chủ được thưa ông?

TS Vũ Viết Ngoạn: -Không phải bây giờ mới đặt ra vấn đề này mà bây giờ nó trở nên rõ nét hơn. Về mặt nhận thức ta nhận thức lâu rồi nhưng nó chưa thẩm thấu vào bộ óc của từng cá nhân, tổ chức, người chịu trách nhiệm cụ thể ở từng cấp trong hệ thống chính trị của chúng ta.

Nếu đồng lòng, quyết tâm thì sẽ đẩy nhanh được tiến độc đó, đặt ra khung thời gian cụ thể thế nào thì khó có thể nói được. Nhưng vấn đề là phải đoàn kết, thống nhất cao để cùng hành động.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bích Ngọc

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên