MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ 8 tháng nhìn đến thực hiện mục tiêu kinh tế cả năm

Năm 2013 đã đi qua 2/3 thời gian. Từ kết quả của 2/3 thời gian này có thể dự báo cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế cả năm.

Trước hết, có thể nhận diện tổng quát thông qua việc so sánh một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của 8 tháng năm nay với cùng kỳ năm trước.

Tuy có nhiều khó khăn về số liệu của kỳ 8 tháng (chưa có nhiều các chỉ tiêu tổng hợp, chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu chi tiết), nhưng có thể rút ra một số nhận xét về kết quả 8 tháng và dự báo khả năng thực hiện một số mục tiêu tổng quát của năm 2013.

Về tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô

Cán cân thương mại là một trong những nội dung quan trọng của cán cân thanh toán quốc tế – một cân đối lớn trong các cân đối kinh tế vĩ mô. Cân đối thương mại trong 8 tháng đã đạt được kết quả nổi bật và có thể vượt xa so với chỉ tiêu của kế hoạch đề ra cho cả năm.

Xuất khẩu 8 tháng năm nay ước đạt 84,82 tỷ USD, tăng trên 10,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2012. Kết quả trên càng có ý nghĩa khi đạt được trong 2 điều kiện: Xuất khẩu sang một số thị trường gặp khó khăn do kinh tế chưa phục hồi hoặc tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, hoặc đồng tiền của nước đối tác giảm giá, hoặc kiện bán phá giá…; giá xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, nhất là giá hạt điều, hạt tiêu, gạo, than đá, cao su, sắt thép…

Có thể dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm theo hai kịch bản.

Thứ nhất, nếu mỗi tháng cuối năm đạt bình quân bằng mức của tháng 8 (11,5 tỷ USD), thì cả năm 2013 sẽ đạt 130,8 tỷ USD; thứ hai, nếu 4 tháng cuối năm so với cùng kỳ năm trước tăng bằng với tốc độ tăng của 8 tháng đầu năm (14,7%) thì cả năm 2013 sẽ đạt 131,4 tỷ USD.

Như vậy, dù với kịch bản nào thì xuất khẩu năm 2013 cũng đạt trên dưới 131 tỷ USD, vượt mức kế hoạch đề ra cả về kim ngạch tuyệt đối (126 tỷ USD), cả về tốc độ tăng so với năm 2012 (10%). Kim ngạch nhập khẩu 8 tháng ước đạt 85,4 tỷ USD. Dự đoán kim ngạch nhập khẩu cả năm 2013 sẽ vào khoảng trên dưới 133 tỷ USD.

Nhập siêu 8 tháng ước 578 triệu USD, bằng gần 0,7% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu các dự báo về xuất, nhập khẩu trên là đúng, thì nhập siêu cả năm 2013 sẽ thấp hơn nhiều so với kế hoạch, cả về quy mô tuyệt đối (khoảng trên dưới 2 tỷ USD so với 10 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (khoảng 1,5% so với 8%).

Nhập siêu thấp như trên chứng tỏ 2 điều: Thứ nhất là tổng cầu ở trong nước vẫn còn yếu, sản xuất kinh doanh trong nước vẫn còn khó khăn, nhu cầu nhập khẩu giảm (chẳng hạn lượng xăng dầu 8 tháng giảm tới 24,9% so với cùng kỳ năm trước). Thứ hai là cùng với các nguồn ngoại tệ khác, Việt Nam sẽ đạt và vượt mức thặng dư cán cân thanh toán theo dự kiến, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.

Một cân đối kinh tế vĩ mô khác là cân đối ngân sách. Mặc dù tỷ lệ thực hiện dự toán cả năm của tổng thu ngân sách có khá hơn (tính đến 15/8 đạt 56,5%), nhưng vẫn còn thấp hơn tỷ lệ theo thời gian (62,5%) và thấp hơn tỷ lệ thực hiện của tổng chi (57,9%).

Điều đó, một mặt chứng tỏ tăng trưởng và hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp; mặt khác, phải có sự phấn đấu quyết liệt trong việc tăng trưởng, tăng hiệu quả kinh tế, trong việc chống thất thu, nợ đọng, trong việc tiết kiệm chi. Nếu không thực hiện quyết liệt các giải pháp trên, thì khó thực hiện được mức bội chi ngân sách so với GDP theo kế hoạch (4,8%).

Nguồn: TCTK

Kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế

CPI dù xét dưới góc độ nào (từng tháng,8 tháng,1 năm…), thì 8 tháng đầu năm cũng thuộc loại thấp so với cùng kỳ trong 10 năm qua. Khả năng cả năm có thể được kiềm chế theo mục tiêu đề ra cho cả năm (dưới 6,81% của năm trước). Diễn biến trong 8 tháng và khả năng cả năm của CPI tăng thấp như trên do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có tổng cầu yếu, giá nông sản giảm hoặc tăng thấp, giá thế giới giảm, tăng trưởng dư nợ thấp hơn huy động, giá vàng giảm và tỷ giá tăng thấp…

Tuy nhiên, trong điều kiện tồn kho còn cao, tổng cầu còn yếu, việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ cần phải được minh bạch công khai, phải được giám sát kiểm tra chặt chẽ, có sự phối hợp chặt chẽ, cẩn trọng về liều lượng, thời điểm điều chỉnh, để tránh lạm phát cao trở lại vào cuối năm nay và đầu năm sau, đồng thời cũng tránh tác động tiêu cực đến tổng cầu vốn đã yếu, đến tồn kho vốn đã cao, đến tăng trưởng sản xuất kinh doanh đang chưa có xung lực mới…

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay đã thấp hơn cùng kỳ năm trước, chủ yếu do 2 nhóm ngành kinh tế thực là nông, lâm nghiệp-thủy sản và công nghiệp-xây dựng tăng thấp hơn; chỉ số sản xuất công nghiệp của tháng 8 năm nay vẫn còn thấp hơn của tháng 8 cùng kỳ năm trước (4,4% so với 5,4%) và tính chung của 8 tháng chỉ cao hơn một chút so với của 6 tháng (5,3% so với 5,2%).

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 8 tăng 9,5% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 10.700; tốc độ tăng doanh nghiệp ngừng hoạt động chậm lại.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2012, tốc độ giảm tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới thành lập có xu hướng cao lên (4 tháng giảm 14,1%, 5 tháng giảm 16,3%, 6 tháng giảm 19,9%, 7 tháng giảm 17,5%, 8 tháng giảm 25,8%); quy mô vốn bình quân một doanh nghiệp cũng nhỏ dần. Tổng cầu tuy có được cải thiện đôi chút, khi vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tính theo giá thực tế 8 tháng không còn giảm nhiều như 7 tháng (giảm 2,3% so với giảm 2,6%); khi thực hiện FDI 8 tháng tiếp tục tăng 3,8%.

Tiêu thụ trong nước vẫn yếu, bởi tốc độ tăng tổng mức bán lẻ (đã loại trừ giá) vẫn tăng thấp, trong khi tăng trưởng tín dụng (đến 20/8 mới tăng 5,4%) chưa bằng một nửa mức định hướng cả năm và chỉ bằng trên một nửa tốc độ tăng của huy động (9,5%). Với các yếu tố trên, một số chuyên gia và tổ chức quốc tế dự báo khả năng cả năm có thể chỉ tăng trên dưới 5,2% (cần chú ý, tốc độ tăng GDP năm 2012 theo số liệu mới nhất là 5,25% - chứ không phải là 5,03% như trước). Đây là một cảnh báo cần lưu ý.

Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm và là năm thứ 3 của chiến lược 10 năm, vì vậy ngoài nhiệm vụ của một năm bình thường, còn phải thực hiện các mục tiêu cơ bản, làm tiền đề để thực hiện mục tiêu dài hạn.

Các năm trước, do phải tập trung ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nên việc triển khai, thực hiện còn chậm. Năm nay, các mục tiêu cơ bản (tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược) được đặt thành mục tiêu trực tiếp để đẩy mạnh việc thực hiện nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững.

Việc triển khai thực hiện trong năm nay có mặt đã tích cực hơn như có đề án tái cơ cấu tổng thể, một số nội dung của tái cơ cấu đầu tư công được thực hiện tốt hơn, một số nội dung tái cơ cấu liên quan đến các điểm nghẽn lớn hiện nay (như nợ xấu, tồn kho, bất động sản…), nhưng nhìn tổng thể vẫn còn rất chậm, thậm chí dư luận đối với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng còn chậm lại, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, ngay cả việc cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành. Bên cạnh đó còn là vấn đề mới, cấp bách là tái cơ cấu nông nghiệp.

Như vậy, nhiệm vụ còn lại của năm 2013 khá nặng nề.

Theo Minh Ngọc

cucpth

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên