MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ chuyện...James Bond, nói chuyện thu hút đầu tư

Chẳng ai muốn một lần nữa mạo hiểm với tiền của chính mình. Họ lựa chọn Thái Lan, Philippines thay cho những cảnh đáng lẽ phải quay tại Việt Nam, cho an toàn...

Các tín đồ của bộ môn nghệ thuật thứ 7 chắc hẳn không ai không biết đến Người Mỹ trầm lặng. Đây là một bộ phim gây được nhiều sự chú ý. Và, đáng tự hào hơn cả, phần lớn các bối cảnh đều được quay ở Việt Nam. Cũng đúng thôi, đó là một bộ phim về chiến tranh Việt Nam, không quay ở Việt Nam thì quay ở đâu? Chắc không ít người sẽ "bật" ra câu hỏi như vậy.

Thế nhưng, một sự thật đáng buồn, là phần lớn các phim của kinh đô điện ảnh Hollywood có bối cảnh Việt Nam, đều không được quay ở Việt Nam. Vì sao vậy? Cũng nhắc lại, Người Mỹ trầm lặng không thuộc Hollywood.

Điệp viên 007

Bắt đầu từ James Bond với tập phim Tomorrow never dies (sau này nó mới có tên cụ thể như vậy, bắt đầu, thì đó đơn giản là dự án phim James Bond với thương hiệu 007 ăn khách trên toàn thế giới) bắt đầu sản xuất năm 1995. Khi đó Hoa Kỳ vừa tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Việt Nam trở thành 1 trong những địa điểm quay bộ phim bom tấn đó.

Chưa nói đến số tiền đoàn làm phim sẽ bỏ ra trong vài tháng ngắn ngủi ở Việt Nam, cơ hội đối với ngành du lịch Việt là cực kỳ rõ ràng, NẾU hình ảnh Vịnh Hạ Long được tiếp cận với hàng triệu khán giả toàn cầu qua James Bond. Chẳng phải chúng ta đã chi hàng núi tiền chỉ để vận động bình chọn Vịnh Hạ Long là một trong 7 kỳ quan mới của thế giới, một dự án còn lâu mới nổi tiếng được như siêu phẩm James Bond!

Vậy mà, đến phút cuối, dự án gác lại, không một lời giải thích. Sự cẩn trọng thái quá của những cơ quan hành chính chịu trách nhiệm cấp phép đã mang James Bond đi khỏi Việt Nam trong một cơ hội rõ mười mươi. Điều này tạo tiền lệ cực kỳ xấu về sau. Và kết quả đến nay chúng ta đều rõ.

Chẳng ai muốn một lần nữa mạo hiểm với tiền của chính mình. Họ lựa chọn Thái Lan, Philippines thay cho những cảnh đáng lẽ phải quay tại Việt Nam, cho an toàn...

FDI và những con số

Năm 2013 đánh dấu cột mốc hết sức quan trọng: 25 năm thực hiện Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thế nhưng, toàn bộ chính sách về FDI hiện nay được đánh giá là chưa có gì thay đổi căn bản, vẫn là chính sách từ những ngày đầu (năm 1987)...

Năm 2013, vốn FDI đăng ký đạt 21,6 tỷ USD, tăng gấp rưỡi so với năm 2012. Góp phần đáng kể vào tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng nói trên là sự xuất hiện của các dự án "khủng" cả về đầu tư mới và bổ sung vốn. Có thể kể đến dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (2,8 tỷ USD), dự án sản xuất vi mạch điện tử và linh kiện điện thoại di động của Samsung (1,2 tỷ USD)... Tín hiệu vui còn thể hiện ở chỗ, năm 2013 chính thức chấm dứt tình trạng thu hút vốn FDI năm sau giảm hơn năm trước trong suốt 4 năm trước đó.

Thế nhưng, ưu thế của Việt Nam khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phần lớn vẫn là giá lao động rẻ tương đối so với các nước láng giềng, và những quy định không thực sự chặt chẽ về thuế khóa. Một loạt các doanh nghiệp FDI đã và đang bị phanh phui chuyển giá, trốn thuế,...nói rõ điều đó.

Như vậy, động lực của nguồn vốn FDI đối với nền kinh tế chưa thực sự rõ nét. Các mặt hàng xuất khẩu từ khối FDI thông thường là hàng gia công lắp ráp với giá trị gia tăng thấp. Người ta cứ mải để ý đến con số mà đôi khi quên mất hiệu quả và ý nghĩa thực sự của nó.

Việt Nam vẫn chưa được thế giới biết đến với môi trường đầu tư cởi mở, thủ tục hành chính đơn giản, "gọn gàng".

Gần đây, báo chí đưa tin về vị Chủ tịch tỉnh Hậu Giang với sáng kiến đưa hình ảnh hàng nông sản của tỉnh nhà lên...danh thiếp của chính mình. Ông cho biết, việc tiếp thị này cực kỳ đơn giản, và hiệu quả.

Như vậy là, việc thu hút đầu tư, nhiều khi cũng chẳng phải là công việc đao to búa lớn gì. Miễn là chúng ta luôn luôn nghĩ đến việc tiếp thị hình ảnh của chính mình.

Quỳnh Anh

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên