Từ năm 2017 bắt đầu thiếu than cho nhu cầu trong nước
Bắt đầu từ năm 2017, Việt Nam bắt đầu thiếu than cho nhu cầu trong nước. Đến năm 2020, nhu cầu than đặc biệt là than cho nhiệt điện sẽ đòi hỏi phải nhập khẩu một số lượng lớn.
- 05-08-2015Khẩn trương cấp than trở lại cho nhà máy điện
- 04-08-2015TKV khẳng định vẫn cấp đủ than cho ngành điện
- 22-10-2013Tăng giá bán than cho sản xuất điện
Thông tin trên đưa ra tại Hội thảo khoa học Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 1/9.
Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đưa ra mục tiêu đảm bảo cung cấp than cho nền kinh tế.
Đồng thời, quy hoạch cũng góp phần hiệu quả việc quản lý điều hành, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, trong quá trình thực hiện, do nhu cầu than cho nhiệt điện, phân bón, xi măng, luyện kim.., cũng như điều kiện thăm dò khai thác than có nhiều thay đổi. Do đó, quy hoạch trên cần cập nhật đánh giá tình hình thực tế.
Ông Lê Văn Duẩn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp Vinacomin cho biết: Tổng trữ lượng than Việt Nam đã được điều tra, thăm dò tính đến hết năm 2014 là 46,96 tỷ tấn. Trong đó, tài nguyên chắc chắn tin cậy là 35,85 tỷ tấn.
"So với quy hoạch, trữ lượng tài nguyên than thăm dò theo số liệu gần đây đã giảm 1,77 tỷ tấn. Mức tài nguyên giảm là do cập nhật lại kết quả từ đề án điều tra đánh giá tiềm năng than bể Đông Bắc dưới -300m. Còn các khu vực khác không thay đổi”, ông Duẩn cho biết.
Theo nội dung quy hoạch điều chỉnh, số đề án thăm dò tăng thêm 5 đề án, tổng mét thăm dò tăng 261.340 mk. Cụ thể, đến năm 2020, tổng khối lượng thăm dò tại Bể Đông Bắc, Vùng Nội địa và Bể Sông Hồng đạt 1.846.400 mk.
Cùng với đó, nhu cầu than cả nước trong quy hoạch điều chỉnh sẽ giảm trên 20% so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2017, Việt Nam bắt đầu thiếu than cho nhu cầu trong nước. Đến năm 2020, nhu cầu than đặc biệt là than cho nhiệt điện sẽ đòi hỏi phải nhập khẩu một số lượng lớn.
Theo Tổng sơ đồ 7 (Quy hoạch điện 7) điều chỉnh, dự báo nhu cầu than trong nước rất lớn. Đến 2017, lượng than cho phát điện tính cả trong nước và nhập khẩu khoảng 38 triệu tấn than. Đến năm 2020, nhu cầu này sẽ lên đến 70 triệu tấn than cho phát điện.