UBTCNS: Đồng ý việc đa dạng kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ
Nếu tiếp tục thực hiện phát hành TPCP chỉ từ 5 năm trở lên thì từ nay đến cuối năm 2015 sẽ không huy động đủ lượng vốn cần thiết để đáp ứng nhu cầu chi thực hiện các mục tiêu phát triên kinh tế xã hội.
- 31-07-2015Các DNNN sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để giảm áp lực lên ngân sách
- 21-01-2015Sẽ có đề án phát hành trái phiếu quốc tế
- 11-09-2014Phát hành trái phiếu quốc tế, Việt Nam sẽ thể hiện được mình?
Hôm nay (ngày 12/20/2015), Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc đa dạng hoá kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) và phát hành trái phiếu tại thị trường quốc tế. Qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) nhất trí với các đề xuất trên của Chính phủ.
Theo tờ trình của Chính phủ tại UBTVQH sáng 12/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy định chỉ phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên.
Cũng theo tờ trình, trong 9 tháng đầu năm 2015, kỳ hạn bình quân của tổng thể khối lượng TPCP đang lưu hành trên thị trường tăng lên là trên 4 năm, cao hơn so với mức bình quân khoảng 3 năm của năm 2014.
Tuy nhiên, do quy mô thị trường TPCP còn nhỏ, thị trường đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển nên nhu cầu đầu tư TPCP kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên còn rất hạn chế, dẫn đến khối lượng huy động vốn thông qua phát hành TPCP không đạt được kế hoạch đặt ra.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ủy quyền Chính phủ đã trình ra Quốc hội đề xuất phê duyệt hàng loạt chủ trương nhằm tái cơ cấu các khoản nợ của Chính phủ.
Hai đề xuất chính là: Đề nghị cho phép đa dạng hóa các kỳ hạn phát hành TPCP và cho phép phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ của Chính phủ.
Về khối lượng phát hành cụ thể, tin trên Thời báo Kinh tế Sài cho biết, Chính phủ đề xuất sẽ phát hành khoảng 3 tỷ đô la Mỹ để tái cơ cấu lại các khoản nợ TPCP trong nước đã phát hành trong giai đoạn 2015 - 2016.
Từ năm 2017, lượng trái phiếu này sẽ được bán ra để bù đắp bội chi ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi, tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ theo quy định tại Luật quản lý nợ công và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài.
Bộ Tài chính khẳng định rằng việc vay mới để đảo nợ vẫn đảm bảo duy trì tỉ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ không quá 50% tổng nợ Chính phủ theo chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030.
"Dự kiến các đợt phát hành sẽ có kỳ hạn dài từ 10 đến 30 năm. Lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành" - Thời báo Kinh tế Sài Gòn nêu.
Theo Chính phủ, việc thực hiện các giải pháp trên về cơ bản không làm tăng dư nợ Chính phủ. Đồng thời, giảm đỉnh nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn của Chính phủ trong giai đoạn tới. Thiết lập mức lãi suất chuẩn thấp, tạo sức ép để hạ chi phí huy động vốn nước ngoài của Chính phủ trong tương lai, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cũng như của các thành phần kinh tế khác.
Theo đánh giá, việc phát hành trái phiếu quốc tế có tác động làm tăng cung ngoại tệ sẽ góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, giảm áp lực lên tỷ giá hối đoái và ổn định kinh tế vĩ mô.
Kết thúc phiên họp, đa số ý kiến trong UBTCNS nhất trí về việc triển khai các giải pháp này. Theo UBTCNS, nếu tiếp tục thực hiện phát hành TPCP chỉ từ 5 năm trở lên thì từ nay đến cuối năm 2015 sẽ không huy động đủ lượng vốn cần thiết để đáp ứng nhu cầu chi thực hiện các mục tiêu phát triên kinh tế xã hội.
Đồng thời, trong bối cảnh huy động nguồn lực từ phát hành TPCP trong nước, vốn vay ODA,... gặp nhiều khó khăn thì việc xem xét, cho ý kiến về chủ trương phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế là cần thiết, góp phần khắc phục tình trạng phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế theo thời cơ, thiếu chiến lược bài bản, dài hạn như đã thực hiện trong những năm qua.
Bên cạnh đó, UBTCNS đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật quản lý nợ công trong giai đoạn vừa qua, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung các nội dung không còn phù hợp, xác lập hành lang pháp lý cho quá trình thực hiện trong năm 2016.