MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCBS: Giá dầu khó duy trì mức dưới 60 USD/thùng trong dài hạn

Điểm hòa vốn của 90% công ty khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ là từ 60 USD/thùng trở lên. Nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu trong thời gian dài thì đa số các công ty khai thác dầu đá phiến sẽ phải giảm hoạt động, ngưng triển khai để tránh bị lỗ.

Nửa cuối năm 2014, giá dầu thế giới nằm trong xu hướng đi xuống. Đặc biệt trong 3 tháng trở lại đây, giá loại nhiên liệu này liên tục lao dốc và hiện đang có giá dưới 60 USD/thùng. Nguyên nhân chính của sự giảm giá này, trước hết là do nhu cầu dầu giảm khi các nền kinh tế lớn như châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản suy yếu. Và trong khi cầu suy giảm thì nguồn cung lại tăng vọt do công nghệ dầu đá phiến ở Mỹ và việc OPEC không giảm sản lượng khai thác để giữ thị phần.

Theo công ty chứng khoán VCBS, giá dầu khó duy trì mức dưới 60 USD/thùng trong dài hạn. Trước hết, do điểm hòa vốn của 90% công ty khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ là từ 60 USD/thùng trở lên. Theo đó nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu trong thời gian dài thì đa số các công ty khai thác dầu đá phiến sẽ phải giảm hoạt động, ngưng triển khai để tránh bị lỗ. Khi đó, nguồn cung toàn cầu sẽ sụt giảm và giá dầu sẽ khó có thể tiếp tục giảm sâu. Số liệu từ EIA cho biết, năm 2014, sản lượng của Mỹ ước chiếm 13,09% sản lượng dầu thế giới.

Lý do thứ hai mà VCBS đưa ra là chiến lược duy trì sản lượng của OPEC chỉ có thể duy trì trong vòng 6 tháng vì thiệt hại kinh tế là rất lớn khi giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp rất xa so với điểm hòa vốn ngân sách của các quốc gia trong khối.

Tuy nhiên, trước mắt, VCBS cho rằng giá dầu có thể duy trì ở mức thấp như hiện tại thêm một thời gian, ít nhất trong vòng từ 3 – 6 tháng tới do ngoại trừ Mỹ, các nền kinh tế lớn khác trên thế giới như châu Âu, Trung Quốc và Nhật đều cho thấy dấu hiệu suy yếu và khó có thể khởi sắc nhanh chóng. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Nga, Mỹ và các nước phương Tây chưa thể sớm lắng dịu và cạnh tranh thị phần giữa các nước sản xuất dầu mỏ ngày càng tăng sau khi sản lượng dầu ở Mỹ bùng nổ với công nghệ trích xuất dầu từ đá phiến.

Với nền kinh tế, từ góc độ tích cực, giá dầu thế giới giảm mạnh khiến giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh, tạo điều kiện giảm giá các mặt hàng khác. Điều này giúp ổn định giá cả vào dịp cuối năm và tạo hiệu ứng kích cầu trong bối cảnh cầu tiêu dùng trong nước phục hồi yếu.

“Tuy nhiên chúng tôi đánh giá sự bứt phá của cầu tiêu dùng có lẽ sẽ chưa thể đến sớm khi tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn đang hiện hữu và khó có thể cởi bỏ nhanh chóng” - chuyên gia của VCBS nhận định.

Từ góc độ tiêu cực, giá dầu giảm mạnh và nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức tương đối thấp thêm một thời gian sẽ khiến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm, ảnh hưởng tiêu cực lên nguồn thu ngân sách (Vì thu từ dầu thô thường chiếm hơn 11% tổng thu ngân sách trong 5 năm trở lại đây) cũng như tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 (tổng giá trị dầu thô tương đương khoảng 4 – 6% GDP trong những năm gần đây).

>> OPEC nghi ngờ yếu tố đầu cơ khiến giá dầu giảm mạnh

Mai Linh

trangminh

VCBS

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên