MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCCI: 20% doanh nghiệp FDI thực hiện chuyển giá trong năm 2013

Khảo sát thu thập ý kiến của 1609 doanh nghiệp FDI đến từ 49 quốc gia khác nhau, hoạt động trên địa bàn 13 tỉnh, thành của Việt Nam có mật độ DN FDI cao nhất.

Nhóm nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2013 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thực hiện một phân tích đặc biệt về hoạt động chuyển giá tại Việt Nam.

Bảng hỏi của VCCI dùng một kỹ thuật đặc biệt khi đưa ra câu hỏi để doanh nghiệp không có cảm giác mình đang bị hỏi về việc chuyển giá, do vậy, việc điền vào phiếu hoàn toàn là tự nhiên và rất “thật thà”. Kết quả cho thấy khoảng 20% doanh nghiệp FDI tham gia điều tra đã thực hiện việc chuyển lợi nhuận nhằm giảm gánh nặng thuế.

Chia nhóm DN FDI được hỏi theo mức lợi nhuận theo 4 nhóm với các mức lãi khác nhau, kết quả cho thấy: 65% DN có lãi trên 20%, 44,5% DN có lãi từ 10-20%, 12,3% nhóm DN lãi từ 5-10% và 9% nhóm DN lãi 0-5% đã thực hiện việc chuyển giá. Nghĩa là  nhóm DN càng lãi cao thì số lượng DN chuyển giá càng nhiều.

Con số này một lần nữa khiến người ta nhớ lại sự kiện đầu năm 2012, Tổng Cục Thuế đã công bố một báo cáo cho biết 57% trong số 5.500 Doanh nghiệp FDI được rà soát (chiếm khoảng 60% tổng số Doanh nghiệp FDI) đã báo cáo lỗ ròng trong năm 2010 và 2011.

Cũng vào tháng 10/2012, Tổng cục Thuế công bố kết quả thanh, kiểm tra chuyển giá tại doanh nghiệp FDI tại một số tỉnh, phát hiện 122 doanh nghiệp FDI vi phạm các quy định về chuyển giá theo Thông tư 66/2010/TT-BTC (Thông tư 66) và yêu cầu nộp thuế bổ sung hơn 10 triệu USD. Trong danh sách đó có một số công ty nổi tiếng, bao gồm những công ty đa quốc gia lớn nhất thế giới và các thương hiệu nổi tiếng như Cocacola.

Sau các khảo sát của PCI 2013, nhóm nghiên cứu của VCCI đề xuất giải pháp: Hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp ngang bằng mức thuế mà doanh nghiệp được hưởng tại nước xuất xứ sẽ làm giảm đáng kể động cơ chuyển giá.

Tuy nhiên ngay cả khi mức thuế không có thay đổi lớn, nếu cơ quan quản lý có thể đảm bảo cho doanh nghiệp một lộ trình tăng thuế có thể dự đoán được, giúp doanh nghiệp có thể ước lượng một cách đầy đủ gánh nặng thuế của mình trong tương lai, thì động lực thực hiện chuyển giá của doanh nghiệp sẽ giảm bớt .

Điều này giúp Việt Nam tăng thu ngân sách và sử dụng nguồn thu này để đầu tư, khắc phục các yếu kém trong dịch vụ hành chính công và cơ sở hạ tầng, vốn bị nhà đầu tư coi là những điểm yếu chiến lược quan trọng  nhất của Việt Nam, báo cáo PCI kết luận.

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên