MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao AmCham nỗ lực hỗ trợ Việt Nam thực hiện TPP?

Theo chủ tịch AmCham, đây là thời điểm VN cần phải có quyết định sáng suốt hơn về chi tiêu nguồn vốn, chiến lược kinh doanh. VN sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong các quốc gia đang đàm phán ký kết TPP.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2013 với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế - Từ chương trình tới Hành động” được tổ chức sáng nay, ông Steven Winkelman – Chủ tịch AmCham đã có bài phát biểu nhận định của AmCham về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Liên quan đến nỗ lực của AmCham trong việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ Việt Nam thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP),  ông Steven Winkelman  cho biết:

AmCham tin tưởng chắc chắn rằng Hiệp định TPP sẽ mang lại cơ hội mới giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước.

TPP sẽ không chỉ mang lại sự tăng trưởng kinh tế tốt nhất cho nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn mà còn tạo ra một nền tảng vững chắc hơn cho ViệtNam trong việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu (EU-FTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (“RCEP”), Hiệp định Thương mại Tự do giữa Hồng Kông và các nước ASEAN (Hong Kong – ASEAN FTA) cũng như các hiệp định quan trọng khác.

AmCham hy vọng rằng Hiệp định TPP sẽ phá bỏ các rào cản thương mại trong các lĩnh vực như mua bán thiết bị hàng hóa công, các tiêu chuẩn nhất định về quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. 

12 quốc gia hiện đang tham gia đàm phán TPP có tổng dân số là 800 triệu người, chiếm khoảng 1/3 giá trị thương mại thế giới và gần 40% nền kinh tế toàn cầu.

Quan trọng hơn, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong số các quốc gia đang đàm phán ký kết Hiệp định này, tiềm năng tăng trưởng về xuất khẩu và GDP có thể sẽ cao hơn nhiều so với các quốc gia đối tác khác. 

Nếu Việt Nam có thể tận dụng đầy đủ lợi thế của mình, TPP sẽ tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư  nhân  xâm  nhập  mạnh  hơn  vào  các  thị trường  trọng  điểm,  kích  thích  cạnh  tranh,  thu  hút thêm đầu tư nước ngoài và giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống chuỗi phân phối trọng yếu, qua đó tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như công ăn việc làm và thu nhập cao hơn cho người lao động.

TPP cũng sẽ giúp đẩy mạnh chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa của  Việt Nam; đồng  thời, việc Việt Nam tham gia vào TPP cũng rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp Hoa kỳ bởi nó sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và duy trì vị thế của Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và đầy sức cạnh tranh đối với đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, TPP còn giúp khắc phục những khó khăn trong việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. “Các thành viên của chúng tôi muốn nhìn thấy rõ hơn sự quyết tâm của Chính phủ trong việc cải cách hệ thống quản lý nhà nước, điều mà rất nhiều nhà phân tích coi là nguyên nhân căn bản của những thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.”

Chủ tịch AmCham cho rằng, tham nhũng và xung đột lợi ích đã trở thành các vấn đề cố hữu trong cơ cấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nếu các vấn đề quản lý cơ bản không được giải quyết, quá trình phát triển chắc chắn vẫn sẽ gặp nhiều thách thức.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên