Vì sao các doanh nghiệp FDI không chuyển giao công nghệ?
Chính sách và môi trường thu hút FDI của chúng ta không được thiết kế để khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright lý giải nguyên nhân khiến việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội đã không diễn ra như kỳ vọng trong thời gian qua.
Ngoài ra, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng chỉ rõ, các doanh nghiệp FDI cũng như các doanh nghiệp nội không thấy được lợi ích từ việc chuyển giao công nghệ mặc dù một trong những mục tiêu thu hút FDI mà Việt Nam đã đặt ra chính là mong muốn nhận được những công nghệ tiên tiến hơn.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn – giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright |
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI thời gian vừa qua không như mong muốn về cả số lượng lẫn chất lượng.
Thực trạng này không phải lỗi của các nhà đầu tư FDI mà cũng không phải lỗi của các doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề rộng hơn nằm ở chính sách và môi trường thu hút FDI của chúng ta không được thiết kế để khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ.
Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã được triển khai từ khá sớm ngay sau khi chúng ta thực hiện đường lối Đổi mới kinh tế. Luật Đầu tư nước ngoài 1987 được ban hành trong đó nêu rõ “Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vốn và kỹ thuật vào Việt Nam”.
Tuy nhiên trên thực tế, trong giai đoạn đầu chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta được thiết kế theo kiểu đại trà, có gì ăn đó. Trong quá trình quản lý cấp phép đầu tư, chúng ta đặt ra một số điều kiện và tiêu chuẩn nhưng thực ra là đánh đồng nó với quy trình và thủ tục.
Chính sách này ban đầu được áp dụng ở cấp trung ương, sau đó do quá trình phân cấp đầu tư lại được chuyển giao cho cấp địa phương thực hiện. Các địa phương, cũng do chạy theo thành tích mà việc thu hút đầu tư cũng trở nên gấp gáp, chỉ để lấp đầy các khu công nghiệp hoặc có vốn để bổ sung vào chỉ tiêu vốn đầu tư.
Họ thậm chí tìm cách lách qua mọi ngõ ngách của quy định để thu hút đầu tư mà không hề tính đến một lộ trình phát triển lâu dài cho địa phương, không căn cứ vào lợi thế so sánh cũng như điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Để thu hút được dòng vốn nước ngoài, chúng ta đưa ra rất nhiều biệt đãi chẳng hạn như ưu đãi thuế hay chính sách thuê đất nhưng không kèm theo những ràng buộc. Do không có ràng buộc phù hợp nên nhiều doanh nghiệp FDI đến Việt Nam chỉ để tận dụng các biệt đãi này mà hầu như không phải thực hiện cam kết nào, và một khi các ưu đãi này không còn họ sẽ tìm kiếm các ưu đãi khác hoặc rút đi khi môi trường không còn thuận lợi so với các nước khác.
Các mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài cho đến gần đây thường được dẫn ra hết sức chung chung theo kiểu lý thuyết, chẳng hạn như bổ sung vốn đầu tư cho nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, cải thiện thu nhập người lao động, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tăng năng lực xuất khẩu… trong khi hầu như không thấy một chiến lược thu hút đầu tư nhằm vào từng mục tiêu cụ thể phù hợp với từng thời kỳ và đặc điểm địa phương. Chính vì điều này mà chúng ta không có được các phương án và kế hoạch cụ thể để khuyến khích và thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ.
Việc chuyển giao công nghệ xét cho cùng cũng xuất phát từ vấn đề lợi ích và chi phí. Khi các doanh nghiệp FDI không nhìn thấy các lợi ích ròng có tính chất dài hạn rõ ràng từ việc chuyển giao công nghệ thì họ không có động cơ gì để phải chia sẻ hiểu biết và chuyển giao công nghệ. Trong trường hợp này, các quy định có tính chất gây áp lực buộc chuyển giao công nghệ mang tính hành chính sẽ không thể giải quyết được vấn đề.
Ngoài ra, nếu nhìn ở nguồn FDI, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến từ các nước trong khu vực, ở đó trình độ công nghệ không quá cao và không thể cạnh tranh so với các nước tiên tiến. Do đó, ngay cả khi các công nghệ này được chuyển giao thì trình độ công nghệ mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận và học hỏi được cũng không phải là thứ chúng ta đặt kỳ vọng.
Một số doanh nghiệp FDI quy mô lớn, tầm cỡ quốc tế, có trình độ công nghệ thuộc dạng hàng đầu thế giới cũng đã bắt đầu có mặt ở Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước của chúng ta đa phần là quy mô nhỏ, có tiềm lực tài chính yếu kém, không đủ khả năng tiếp cận công nghiệp hiện đại của thế giới, lại khó với tới các chuẩn mực cao để hợp tác được với các doanh nghiệp FDI có nền tảng công nghệ tiên tiến.
Thêm nữa, một nguồn lực rất lớn lại được dồn cho các doanh nghiệp nhà nước nhưng các doanh nghiệp này lại hiệu động kém hiệu quả, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực được nhà nước bảo hộ hoặc trao đặc quyền, trong khi không mấy doanh nghiệp có chiến lược vươn ra cạnh tranh toàn cầu, học hỏi, tiếp thu và chiếm lĩnh công nghệ thế giới. Một số tập đoàn tư nhân có đủ nguồn lực để làm điều này thì cũng tự biến mình thành các doanh nghiệp thân hữu, tìm kiếm đặc quyền đặc lợi thay vì hướng đến mục tiêu sáng tạo và phát triển.
FDI làm bộc lộ yếu kém doanh nghiệp nội
PV: - Một trong những mục tiêu khi thu hút FDI chính là tiếp nhận công nghệ hiện đại hơn, vậy mục tiêu này đã bị thất bại, thưa ông?
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Để có công nghệ hiện đại, chúng ta có thể bỏ tiền để mua nhưng quan trọng là cần có những con người để vận hành nó. Công nghệ gọi là hiện đại cũng chỉ có tính thời điểm vì không lâu nó sẽ trở nên lạc hậu trước cơn bão tiến bộ khoa học-kỹ thuật. Do vậy, chúng ta phải có con người để học hỏi được công nghệ, cải tiến và làm chủ công nghệ.
Chúng ta không nên trông chờ các doanh nghiệp FDI sẽ chuyển giao công nghệ cho chúng ta, càng không nên hy vọng đó là công nghệ hiện đại. Không ai sẵn lòng chia sẻ cái tốt nhất, bí kíp công nghệ mà họ có cho người khác trừ khi nó giúp tối đa hóa lợi nhuận cho họ.
Hơn nữa, trong xu thế dịch chuyển FDI toàn cầu, một lý do là chính sách thắt chặt tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến. Chính vì vậy, cái gọi là công nghệ tiên tiến kia nhiều khi chỉ là rác công nghệ được sơn phết lại nhưng vẫn phù hợp với tiêu chuẩn môi trường của nước đang phát triển và cả sự ham hố mời gọi đầu tư của các lãnh đạo địa phương.
PV: - Trong trường hợp các doanh nghiệp FDI tận dụng nhân công giá rẻ tại Việt Nam, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm hơn, đóng thuế thấp do được ưu đãi về thuế, đất... các doanh nghiệp FDI đã để lại điều gì cho Việt Nam?
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam dựa trên nhiều yếu tố cơ bản, chẳng hạn như để khai thác những lợi thế so sánh tĩnh như lao động giá rẻ, tiếp cận tài nguyên; hưởng các ưu đãi mà chính sách dành cho họ chẳng hạn như thuế, đất đai, các chính sách bảo hộ công nghiệp; hay tận dụng các chuẩn mực thấp hơn về môi trường.
Ngược lại, bản thân các doanh nghiệp FDI cũng có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế Việt Nam, chẳng hạn như giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, giúp giải quyết được phần nào lao động dôi dư trong nông nghiệp, giúp chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách môi trường cạnh tranh, cải thiện năng suất, tăng năng lực xuất khẩu, tạo cầu nối liên thông ra thị trường quốc tế, dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu…
Nói chung, thu hút FDI luôn có những mặt tích cực nhưng cũng tạo ra nhiều hệ quả mà chúng ta không mong muốn, chẳng hạn như tàn phá môi trường, bòn rút tài nguyên.
Điều quan trọng là chúng ta phải có được các cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư hợp lý, tránh thu hút đầu tư theo kiểu đại trà mà không có chọn lọc, không có mục tiêu cụ thể rõ ràng; thay vào đó phải căn cứ vào yêu cầu và nhu cầu cụ thể của từng địa phương, từng thời kỳ dựa trên tầm nhìn dài hạn mang tính tổng thể của cả vùng và quốc gia để có chiến lực thu hút đầu tư phù hợp và đúng đắn.
PV: - Việc các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam tận dụng nhân công giá rẻ, ưu đãi về thuế, đất, vốn vay… thậm chí nhiều hơn các doanh nghiệp trong nước hoạt động cùng lĩnh vực sẽ chiếm lĩnh thị phần của các doanh nghiệp trong nước. Con số tăng trưởng là con số ảo, trong khi hoạt động sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và phải ngừng hoạt động nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong tương lai, thưa ông?
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Về mặt dài hạn Việt Nam vẫn phải phát triển nền kinh tế mà khu vực kinh tế trong nước vẫn phải giữ vai trò chính, là động lực của tăng trưởng. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường cạnh tranh và các thúc ép đổi mới không ngừng.
Chúng ta không thể vì sự yếu kém hay non yếu của các doanh nghiệp trong nước mà quay lại với tư duy bảo hộ, thay vào đó phải có chính sách để vực dậy khu vực sản xuất trong nước.
Các doanh nghiệp FDI, trên phương diện nào đó, giúp làm bộc lộ các yếu kém của khu vực sản xuất trong nước nói chung, các doanh nghiệp nói riêng. Các doanh nghiệp FDI còn là một mắt xích quan trọng để giúp gắn kết nền sản xuất trong nước với thị trường toàn cầu.
Do đó, chúng ta cần phải thẳng thắn tư duy lại một cách rõ ràng và mạch lạc những yếu kém, thiếu khả năng cạnh tranh của khu vực sản xuất trong nước mới có thể nhìn ra được các giải pháp phù hợp. Thực ra các nguyên nhân yếu kém này cũng đã được nhiều người chỉ ra từ lâu nhưng chúng ta chậm khắc phục và sửa chữa.
Trong ngắn hạn, đặc biệt trong điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam thì động lực tăng trưởng chủ yếu lại nằm trong khối doanh nghiệp FDI. Sở dĩ trong khi các doanh nghiệp trong nước rơi vào khó khăn, thua lỗ và phá sản thì các doanh nghiệp FDI vẫn phát triển tốt là do các doanh nghiệp FDI này đã vượt qua được các nút thắt thể chế mà trong khi đó các doanh nghiệp trong nước không thể vượt qua.
Điều này cũng cho thấy rằng vì sao trong hơn 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài nhưng rất ít doanh nghiệp trong nước có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất của các doanh FDI cũng như của thế giới. Rõ ràng, các doanh nghiệp FDI đã không có động cơ để gắn kết với khu vực sản xuất trong nước, không có động cơ để chia sẻ tri thức và chuyển giao công nghệ cho đối tác trong nước, vì nó không có lợi trước mắt cũng như lâu dài cho họ.
Điều này ngụ ý rằng, chúng ta sẽ phải thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế và cải cách thể chế. Vai trò của từng thành phần kinh tế trong tổng thể nền kinh tế cũng cần phải được xác định lại một cách mạch lạc và rõ ràng, dựa trên bằng chứng thực tiễn. Trong đó đặc biệt là vai trò của kinh tế nhà nước cũng như sứ mạng đầu tàu của các DNNN cũng cần phải được tư duy lại một cách khách quan, tránh duy ý chí và giáo điều.
Xin trân trọng cảm ơn ông!