MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao dầu khí Việt rơi vào “tầm ngắm” của TNK-BP?

Tập đoàn TNK-BP đã công bố nhận giấy phép đầu tư tại Việt Nam, chính thức hóa thương vụ mua lại tài sản của tập đoàn dầu khí BP (Anh) trị giá 1,8 tỷ USD, bao gồm cả một số tài sản BP tại Venezuela.

"Đánh bật" các đối thủ như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) ra khỏi thương vụ này, TNK-BP hẳn đã rất quyết tâm giành phần thắng.

Nhưng ở một góc nhìn khác, sự thế chân BP tại Việt Nam của TNK-BP đem đến câu hỏi, động cơ nào khiến họ quan tâm đến khối tài sản khá nhỏ bé so “người khổng lồ” dầu khí này?

Hơn nữa, những tài sản tại Việt Nam mà TNK-BP “quyết mua” chủ yếu nằm trên biển, rất khác biệt so với những hoạt động hiện nay của TNK-BP khi đa số là trên đất liền; thêm nữa, sản phẩm lại chủ yếu là khí?

Theo những phân tích từ quan điểm của giới lãnh đạo cấp cao của TNK-BP mà VnEconomy ghi nhận được, lý do tập đoàn “quyết” mua lại tài sản của BP nằm trong chiến lược phát triển ra ngoài các hoạt động và thị trường truyền thống.

TNK-BP là ai?

Theo lời giới thiệu chính thức trong buổi họp báo gần đây tại Việt Nam, TNK-BP là tập đoàn dầu khí lớn thứ 3 tại Nga, và là một trong 10 công ty dầu khí tư nhân lớn nhất trên thế giới về dầu thô.

Tập đoàn được thành lập năm 2003, sau khi sáp nhập tài sản dầu khí của BP ở Nga với tài sản của tập đoàn AAR Consortium (Alfa Group, Access Industries, and Renova). BP và AAR nắm giữ giá trị sở hữu ngang nhau tại TNK-BP.

Theo thông tin từ website của doanh nghiệp, TNK-BP là một tổ hợp các công ty dầu khí tích hợp với danh mục đầu tư của một số các doanh nghiệp sản xuất, tinh chế và tiếp thị tại Nga và Ukraina, khai thác tài sản được đặt chủ yếu ở Tây, Đông Siberia và khu vực Volga-Ural.

Kết quả kiểm toán độc lập của công ty DeGolyer và MacNaughton xác nhận, tính đến cuối năm 2010, tổng dự trữ dầu của TNK-BP lên tới 13,1 tỷ thùng, tính theo hệ thống quản lý trữ lượng PRMS. Trong năm 2010, sản lượng khai thác của TNK-BP lên đến 1,74 triệu thùng dầu/ngày.

Ngoài ra, tập đoàn còn sở hữu một mạng lưới bán lẻ 1.490 cây xăng ở Nga và Ukraina.

Theo thỏa thuận mà TNK-BP đạt được vào tháng 10 năm nay, BP sẽ chuyển giao cho tập đoàn này các tài sản tại Việt Nam, bao gồm giá trị sở hữu tại các mỏ, đường ống dẫn khí, nhà máy điện.

Cụ thể, TNK-BP sẽ sở hữu 35% cổ phần và là nhà điều hành tại các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi ở lô 06.1, bao gồm mỏ Lan Tây và Lan Đỏ; 32,67% cổ phần đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn và trạm xử lý khí Dinh Cố; 33,3% cổ phần tại nhà máy điện Phú Mỹ 3.

Vì sao là Việt Nam?

TNK-BP hiện hoạt động tại Việt Nam qua công ty TNK Việt Nam. Theo thông tin từ TNK Việt Nam, sau khi tiếp nhận tài sản của BP tại Việt Nam, sản lượng của doanh nghiệp này hiện vào khoảng 17 nghìn thùng/ngày (tính trên cơ sở thu hồi vốn và phân chia lợi nhuận).

Dù chỉ chiếm khoảng 1% so với tổng sản lượng hiện nay của TNK-BP, có lẽ quy mô nhỏ là một sự khởi đầu hợp lý cho “chiến lược” mở rộng hoạt động ra ngoài lãnh thổ Nga và Ukraina của tập đoàn này.

Một điểm cần xem xét khác là về lợi thế kinh doanh. Các tài sản chuyển giao từ BP khá khép kín thành một chuỗi từ khai thác, vận chuyển khí tự nhiên đến sản xuất điện. Hiện nay, nhà máy điện Phú Mỹ 3 có thể cung cấp khoảng 6% sản lượng điện cả nước.

Khoản đầu tư khoảng 300 triệu USD cho mỏ khí Lan Đỏ cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp 2 tỷ m3 khí mỗi năm để duy trì sản lượng khoảng 5 tỷ m3 khí đang khai thác từ lô 06.1. TNK-BP dự kiến sẽ nâng mức cung cấp lên khoảng 10% sản lượng điện cả nước.

Trong khi đó, một lợi thế nữa là toàn bộ sản lượng này đều nằm trong một hợp đồng dài hạn cung cấp khí nên TNK-BP có thể yên tâm về đầu ra. “Lan Đỏ nằm trong lô 06.1 mà chúng tôi có hợp đồng bán khí dài hạn cho lô này. Khí khai thác tại Lan Đỏ sẽ kết hợp với khí tại Lan Tây để đưa vào bờ”, ông Hugh McIntosh, Tổng giám đốc TNK Việt Nam cho biết.

Dẫu sao, mức sản lượng tương đương với khoảng 1% giá trị sản lượng toàn tập đoàn mà TNK-BP thu về trong thương vụ này vẫn đem đến những lưu ý rằng, vì sao TNK-BP phải cất công đến thế để mở đường cho thương vụ, cho dù ông Chris Einchcomb, Phó chủ tịch phụ trách các dự án quốc tế và thượng nguồn của TNK-BP khẳng định với báo giới Việt Nam: “Mức sản lượng 17 thùng mỗi ngày không phải là nhỏ”.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý hơn là với việc thâu tóm này, TNK-BP đã đi từ khu vực kinh doanh quen thuộc sang địa hạt có nhiều khác biệt, đó là chuyển từ thế mạnh trong thăm dò, khai thác trên đất liền với tỷ lệ thành công 72% ra biển; từ sản phẩm chính là dầu khô sang dạng khí.

Trong một thông điệp từ Hội đồng Quản trị, Chủ tịch TNK-BP Michael Friedman cho hay: “Trong năm 2010, tập đoàn đã cập nhật chiến lược khí đốt với mục tiêu gia tăng đáng kể sản xuất khí đốt trong 5 năm tới. Để đạt được mục tiêu này, tập đoàn dự kiến sẽ phát triển chuyên sâu các nguồn dự trữ khí đốt lớn ở Nga hiện có, cũng như tham gia vào dự án mới, cả ở Nga và ở nước ngoài”.

Trong việc dịch chuyển hoạt động từ chủ yếu trên đất liền ra thềm lục địa, TNK-BP cũng nhìn nhận Việt Nam như là một khởi đầu quan trọng.

Báo cáo tài chính ấn bản năm 2010 của TNK-BP đánh giá về cái được lớn từ thương vụ: “Chúng ta sẽ có được những kinh nghiệm quan trọng trên thềm lục địa, giúp TNK-BP có đủ khả năng áp dụng ra các nơi khác”.

Giám đốc điều hành của TNK-BP, ông Bill Schrader, trong lần trả lời hãng tin Interfax (Nga) vào tháng 3 năm nay cũng nhìn nhận, trong năm 2011, sự đóng góp của các tài sản của Việt Nam và Venezuela trong tổng sản lượng của TNK-BP sẽ được khoảng 40.000-45.000 thùng dầu mỗi ngày tương đương. So với tổng sản lượng của TNK-BP không phải là nhiều.

“Nhưng, sẽ là rất nhiều vì Việt Nam và Venezuela có thể đem lại cho chúng tôi sự phát triển và kinh nghiệm. Tại Việt Nam, đó là một dự án lớn trên thềm lục địa với vốn đầu tư 300 triệu USD, với Venezuela là công nghệ mới để chiết xuất dầu nặng”, ông Bill Schrader nói.

Cũng vị này cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong cả hai quốc gia, TNK-BP mua lại doanh nghiệp với đầy đủ chức năng, bộ máy nhân viên...”.

Quan điểm của Chủ tịch TNK-BP về lợi ích đầu tư tại Việt Nam cũng khá rõ. Ông nói với báo Kommersant (Nga): “Điều quan trọng là giữ được nhân viên có tay nghề hiện có…”.

Bản thông cáo báo chí phát đi từ TNK Việt Nam cho biết thêm: “Chiến lược phát triển tại Việt Nam bao gồm việc vận hành hiệu quả và an toàn hoạt động khai thác khí tự nhiên ngoài khơi để đưa TNK Việt Nam trở thành trung tâm chuyên môn về kỹ thuật vận hành ngoài khơi trong phạm vi tập đoàn TNK-BP, đồng thời chủ động nắm bắt các cơ hội phát triển mới tại quốc gia Đông Nam Á này”.

Dự định lớn hơn được đặt trong tay TNK Việt Nam bao gồm cả việc mở rộng hoạt động tại Việt Nam, hay cùng với Petro Vietnam “khai phá” thêm các thị trường khu vực và thế giới.

Trước mắt, trong tháng tới TNK Việt Nam sẽ bắt đầu khoan hai giếng dưới biển trong khuôn khổ dự án phát triển mỏ Lan Đỏ. Công ty cũng có kế hoạch sẽ tham dự đấu thầu cho các lô ngoài khơi hiện đang được Petro Vietnam mở thầu, ông Hugh McIntosh cho biết.
 Theo Anh Quân
VnEconomy

cucpth

Trở lên trên