Việt Nam cần có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí trước Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đã nhận được hơn 350 ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp gửi tới để trình Thủ tướng.
Mặc dù có nhiều ý kiến, kiến nghị gửi tới hội nghị, tổng cộng khoảng 350 ý kiến.
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc nhận định: “Vướng mắc, kiến nghị cụ thể nhiều, không giải quyết trong ngày một ngày hai được. Chủ yếu hội nghị lắng nghe, khơi gợi hướng phát triển trong thời gian tới”.
“Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thường xuyên khảo sát, điều tra về sự hài lòng của doanh nghiệp để cải cách, đáp ứng yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là một áp lực lớn để đẩy nhanh cải cách”, ông Lộc nói.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay, Việt Nam thiếu các doanh nghiệp cỡ vừa, trong khi đa số là nhỏ và siêu nhỏ.
“Khu vực doanh nghiệp cỡ vừa hiện nay rất nhỏ trong khi đây là những doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đủ đề hấp thụ vốn, công nghệ…. Đây là thời điểm này rất quan trọng để tạo sự thay đổi”, ông Lộc nói.
Vẫn theo ông Lộc, hiện Việt Nam đã có khoảng 500 ngàn doanh nghiệp đang còn hoạt động nhưng vẫn là rất thấp so với nhiều nước.
"Số lượng doanh nghiệp phải tăng lên nữa để đạt được 1 triệu doanh nghiệp, nhất là làm sao có nhiều doanh nghiệp cỡ vừa", ông nói.
Ông cũng cho rằng cần phải giúp doanh nghiệp tư nhân vươn lên qui mô doanh nghiệp cỡ vừa, và việc cổ phần hóa DNNN là cơ hội để doanh nghiệp tư nhân lớn lên.
Ta cứ tìm đối tác chiến lược nước ngoài nhưng theo tôi, đối tác chiến lược của doanh nghiệp nhà nước phải là các doanh nghiệp tư nhân (DNTN).
Cho nên, phải làm thế nào để DNTN lớn lên trong quá trình tham gia vào quá trình cổ phần hóa các DNNN.
"Làm thế nào để hỗ trợ, có chính sách để DNTNN lớn lên, ta thiếu chính sách đó trong thời gian đó. Phải tìm ra những doanh nghiếp tư nhân có tiềm năng để hỗ trợ họ tiếp cận các nguồn lực để họ lớn lên”, ông Lộc bày tỏ quan điểm.
Theo ông Lộc, mặc dù hiện đã có những doanh nghiệp tư nhân hoạt động có qui mô khá lớn nhưng thực chất, Việt Nam vẫn thiếu một thế hệ các nhà công nghiệp, gắn liền với thương hiệu lớn để vươn ra thị trường thế giới.
“Một vấn đề nhiều doanh nghiệp nêu ra là cần tiếp tục đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh cạnh trạnh tự do, tạo thuận lợi hơn nữa…Vừa qua, có ý kiến cho rằng, đã thả quá, thông thoáng quá…khiến tạo ra những danh nghiệp ma.
"Theo tôi, cần phải mở ra hơn nữa chứ không phải xiết lại. Như bỏ quy định về ngành nghề kinh doanh trong giấy phép kinh doanh. Doanh nghiệp được quyền kinh doanh những điều luật pháp không cấm", ông Lộc nói.
Mỗi khi thay đổi ngành nghề lại phải xin phép sẽ gây tốn kém chi phí về thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp. Chứ quy định ngành nghề kinh doanh là vi phạm nguyên tắc này”, ông nhấn mạnh.
Hay là phải bỏ giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư. Chỉ cần thay đổi một chút là đảm bảo quyền của người kinh doanh, để bỏ qua những thủ tục hành chính phức tạp, ông nói thêm.
Ông Lộc cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị, cần đồng bộ hóa luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…Hiện doanh nghiệp đang đi trong rừng luật, phải loại bỏ chồng chéo, giấy phép con dưới mọi hình thức.
Cần một đạo luật để sửa đổi, thống nhất một số điều của toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
“Tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Năm nay vẫn là một năm rất khó khăn. Cho nên, về chính sách tài khóa, phải có chính sách khoan sức cho doanh nghiệp như giảm thuế, phí. Vừa qua, tuy một số mức thuế giảm nhưng phí và các khoản đóng góp của doanh nghiệp đang tăng lên, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Lộc nêu ý kiến.
Cũng theo ông Lộc, trong các ý kiến doanh nghiệp gửi đến hội nghị, hiện nay, điều kiện cho vay ngặt nghèo nên doanh nghiệp chưa tiếp cận được các nguồn vay vốn.
“Vấn đề hiện nay không phải là lãi suất mà phải nới lỏng điều kiện cho vay”, ông nói.
Hay việc tiếp cận về công nghệ cũng khó khăn, nhiều doanh nghiệp lạc hậu về công nghệ, không có điều kiện tiếp cận công nghệ mới nên chính sách đầu tư cho công nghệ cần có sự đột phá.
Nhiều ý kiến doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ cần xem xét lại kế hoạch phát hành trái phiếu để các ngân hàng tăng cường cho vay cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, lãnh đạo VCCI cho biết, có nhiều ý kiến kiến nghị về điều chỉnh giãn tiến độ cải cách tiền lương; tăng cường đối thoại giữa các cơ quan chính quyền, Chính phủ, các bộ…với cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp…
VCCI cho biết, hội nghị lần này có 400 doanh nghiệp tham dự, trong đó có 70 đại diện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 330 đại diện doanh nghiệp tư nhân và hiệp hội doanh nghiệp trong nước.
Tất cả các phó Thủ tướng, 9 vị bộ trưởng…tư lệnh các ngành, địa phương quan trọng nhất sẽ tham dự để lắng nghe, trả lời trực tiếp các doanh nghiệp.
Theo Hà Anh