MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam có nguy cơ chưa giàu đã già

Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế của dân số vàng để phát triển. Bắt đầu từ giai đoạn đổi mới (1986 – 1995), ngoài việc phục hồi sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu xây dựng tiền đề thể chế kinh tế thị trường, hội nhập.

Theo GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo), nguy cơ tụt hậu so với các nước chung quanh đang được bàn đến nhiều, song vấn đề đáng lo ngại được GS. Thọ chỉ ra, đó là Việt Nam đang đối diện với nguy cơ “chưa giàu đã già”.

Nguy cơ “chưa giàu đã già”

Việt Nam hiện đang đứng thứ 14 trong những nước đông dân nhất thế giới. Tỷ lệ dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động bắt đầu tăng vào khoảng năm 1970 (chiếm 51%) và đạt đỉnh (71%) vào năm 2020. Đây được xem là giai đoạn dân số vàng của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của GS. Thọ, Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế của dân số vàng để phát triển. Bắt đầu từ giai đoạn đổi mới (1986 – 1995), ngoài việc phục hồi sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu xây dựng tiền đề thể chế kinh tế thị trường, hội nhập.

Giai đoạn 10 năm tiếp theo, kinh tế dù đã phát triển nhưng chưa mạnh mẽ, khi trung bình mỗi năm chỉ 7 – 8%, so với 9 – 10% của nhiều nước châu Á, chất lượng phát triển cũng bộc lộ nhiều vấn đề.

Đáng chú ý, giai đoạn hiện nay 2006 – 2015, tốc độ phát triển giảm chỉ còn trên dưới 5,5% và kém hiệu suất. Việt Nam đang loay hoay với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế nhưng các nỗ lực này đang tiến triển rất chậm.

Trong khi đó, nếu so sánh với các nước đã bước qua giai đoạn dân số vàng, như Nhật Bản hiện thu nhập đầu người là 30.000 USD, Hàn Quốc là 20.000 USD, Thái Lan và Trung Quốc khoảng 4.000 USD. Song với Việt Nam, GDP đầu người năm 2013 mới ở mức 1.900 USD.

“Nếu chọn năm 2020 làm mốc đánh dấu chấm dứt giai đoạn dân số vàng, thì dù kịch bản phát triển tốt, thu nhập đầu người phát triển trung bình mỗi năm 7%, tức kinh tế phát triển 8%, GDP đầu người theo giá 2005 vào năm 2020 chỉ 1.600 USD. Nếu dời mốc đến năm 2020, con số đó cũng chỉ tăng lên 2.000 USD, bằng ½ mức tương đương của Trung Quốc và Thái Lan” - GS. Thọ phân tích.

Nguy cơ phân hóa nền kinh tế do FDI

Việc tận dụng nguồn lực từ DN FDI có thể rút ngắn khoảng cách phát triển, nhưng GS. Thọ cho rằng cần phải được đặt trong chiến lược phát triển kinh tế hoàn chỉnh, với các ngành và lĩnh vực cần thu hút FDI. Từ đó, khuyến khích tạo điều kiện để các dự án FDI liên doanh với DN nội địa, sử dụng nguyên phụ liệu với DN trong nước.

FDI cũng đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế, khi trong những năm gần đây vốn thực hiện hàng năm khoảng 20 tỷ USD, bằng 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hiện FDI chiếm khoảng 50% sản lượng công nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu, GS. Thọ cho rằng tỷ lệ này cho thấy sự phụ thuộc vào FDI của Việt Nam rất lớn.

Tuy nhiên, điều đặc biệt đáng lưu ý được GS. Thọ chỉ ra, là Việt Nam chưa bao giờ lập ra được một chiến lược phát triển công nghiệp nặng gắn kết DN FDI và DN nội địa. Dẫn chứng, trước đây Việt Nam đã bỏ lỡ khi các DN đầu tư trong lĩnh vực đồ điện gia dụng, ô tô, máy tính… đầu tư vào Việt Nam.

Hiện Samsung chọn Việt Nam là cứ điểm đầu tư, song sự liên kết với DN nội địa rất yếu. Trong khi đó, FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là những ngành lao động giản đơn như may mặc, giày dép, không đòi hỏi công nghệ cao. Hình thức đầu tư cũng chủ yếu là 100% vốn nước ngoài, và thiếu sự liên kết với DN nội địa.

“Chính sách thu hút FDI chỉ chạy theo số lượng, thiếu sự lựa chọn chiến lược làm cho FDI hiện diện trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, cả những ngành mà DN trong nước có thể đầu tư. Nếu không thay đổi nền kinh tế Việt Nam có thể bị phân hóa thành hai khu vực riêng biệt”, GS. Thọ cảnh báo.

Thách thức bẫy thu nhập trung bình thấp

Hiện thu nhập đầu người của Việt Nam đã vượt ngưỡng 1.000 USD vào năm 2008, và hiện ở mức 2.000 USD, trở thành nước có mức thu nhập trung bình theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới.

Song theo GS. Thọ, cần phân biệt rõ giữa thu nhập trung bình cao và thu nhập trung bình thấp. Một số nước như Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc đã tận dụng gần hết lao động dư thừa, hiệu quả phát triển dựa trên đồng vốn không còn nên các nước này đã nỗ lực cách tân công nghiệp để tăng năng suất lao động.

Song với Việt Nam, các thị trường liên quan đến yếu tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường đất đai chậm phát triển, hoặc phát triển méo mó. Việc cải cách DN Nhà nước thì không triệt để và tiến hành chậm, nhiều DN nhỏ khó tiếp cận vốn, đất đai. Sự phân bổ nguồn lực đầu tư cũng bị méo mó.

“Việt Nam chỉ mới đạt mức thu nhập trung bình thấp, cái bẫy có thể xuất hiện nếu không đẩy mạnh cải cách, đẩy mạnh phát triển thị trường yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, lao động, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế”, GS. Thọ khuyến nghị.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên