MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đã sẵn sàng cho việc gia nhập AEC?

Về việc thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, thông thường Việt Nam đạt từ 85-90% và luôn nằm trong top cao nhất của ASEAN. Gần đây nhất, trong kỳ rà soát tháng 10/2014, Việt Nam cùng với Singapore đã hoàn thành khoảng 90% kế hoạch tổng thể.

Theo tiến trình hội nhập, đến cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) sẽ được thành lập. Đây là bước phát triển cao của quá trình hợp tác và hội nhập kinh tế của 10 nước thành viên Asean. AEC được thành lập sẽ tạo ra nhiều cơ hội, cũng như không ít thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.

Do đó, công tác chuẩn bị của Việt Nam đến đâu và liệu Việt Nam đã sẵn sàng cho việc gia nhập AEC hay chưa đang là thắc mắc chung của nhiều doanh nghiệp cũng như người dân hiện nay.

Phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến “Hóa giải thách thức từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)” tại Hà Nội do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 22/1, ông Nguyễn Cẩm Tú – Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, công tác chuẩn bị phải được đánh giá thông qua cả một quá trình dài. Theo đó, việc lớn nhất mà chúng ta đã làm được là xây dựng một hệ thống văn bản pháp lý và quy phạm pháp luật nhằm cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng nhận định, để tiếp cận với các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện hơn.

Trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ được bản lĩnh và sự trưởng thành khi vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Việt Nam đã có nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, có thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn và đặc biệt, có hệ thống doanh nghiệp vững mạnh.

Bên cạnh đó, ngay từ năm 1998, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo QG về Cộng đồng kinh tế ASEAN do Phó thủ tướng đứng đầu… Đây là những nền tảng cơ bản quyết định sự thành công của việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Theo ông Tú, đánh giá về việc thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, thông thường Việt Nam đạt từ 85-90% và luôn nằm trong top cao nhất của ASEAN. Gần đây nhất, trong kỳ rà soát tháng 10/2014, Việt Nam cùng với Singapore đã hoàn thành khoảng 90% kế hoạch tổng thể. Trong khi đó, mức bình quân chung của các nước ASEAN mới đạt khoảng 82,1%.

“Với sự cố gắng chung của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị cho việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN” – Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết.

Cùng đánh giá về sự chuẩn bị của Việt Nam cho AEC, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc đánh giá cần dựa trên hai tiêu chí: sự chuẩn bị về tư tưởng ở tầm vĩ mô và sự chuẩn bị thông qua hoạt động thực tế của doanh nghiệp.

“Nếu đánh giá trên thang điểm 10 thì sự chuẩn bị về mặt vĩ mô của Việt Nam đạt trên 5 điểm. Tuy nhiên, đánh giá về sự chuẩn bị của doanh nghiệp thì Việt Nam đạt dưới 5 điểm” – ông Sơn nhận định.

Quan điểm của Việt Nam cho việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN thời gian qua là rất tích cực. Các cơ quan, Bộ, ngành đã tích cực tham gia thông qua việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về Cộng đồng kinh tế ASEAN; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, đầu tư và thiết lập thị trường …

Ông Sơn cho biết, theo kết quả điều tra khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội trong khuôn khổ đề tài về Cộng đồng kinh tế ASEAN, nhiều địa phương và doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng cho AEC.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (World Bank), môi trường kinh doanh của Việt Nam trong 2 năm qua đã được cải thiện, nhưng còn khá chậm. Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn đã tích cực tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn khá “loay hoay”.

Trong khi đó, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, ở góc độ vĩ mô, Nhà nước và Chính phủ đã có sự chuẩn bị tốt cho việc gia nhập AEC. Tuy nhiên, một bộ phận không thể thiếu khi tham gia AEC chính là cộng đồng doanh nghiệp lại thiếu hẳn các “vũ khí”, kiến thức cho việc gia nhập AEC.

Theo số liệu của Hiệp doanh nghiệp trẻ, hiện có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn thờ ơ, không biết những gì đang đợi họ trước thềm Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Về nguyên nhân, lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được hội nhập đang đến rất gần, thậm chí là chủ quan vì cho rằng khi vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng chưa bị tác động nhiều, do vậy đã không đánh giá hết được những thách thức lớn đặt ra.

"Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị ảnh hưởng ngay trên sân nhà khi không có sự chuẩn bị và sẽ chịu cạnh tranh gay gắt từ chính các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, cạnh tranh cao cũng tạo ra cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp thay đổi nhận thức" - ông Lê Vĩnh Sơn khẳng định.

>>>Trước thềm AEC, đầu tư từ ASEAN vào Việt Nam “tăng tốc”

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên