"Việt Nam đã sản xuất được nhiều sản phẩm mới mà trước đây trong nước chưa có"
Cục đầu tư nước ngoài vừa có báo cáo đánh giá về tình hình chuyển giao công nghệ qua các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam.
Theo Cục đầu tư nước ngoài, việc chuyển giao công nghệ có nhiều cấp độ như: trao kiến thức, chìa khoá trao tay tức là vận hành cho bên nhận chuyển giao sử dụng, sản phẩm trao tay tức là tạo sản phẩm dựa trên chuyển giao công nghệ đó, thị trường tao tay.
Nhiều doanh nghiệp Việt làm được sản phẩm nhờ chuyển giao công nghệ
Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, thông qua FDI, trình độ công nghệ sản xuất trong nước đã được nâng cao một cách rõ rệt so với thời kỳ trước đây. Một số ngành đã tiếp thu được công nghệ tiên tiến với trình độ hiện đại của thế giới như: bưu chính - viễn thông, dầu khí, xây dựng, cầu đường…
"Nhiều doanh nghiệp trong nước đã đổi mới hoặc nâng cấp các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cạnh tranh ngày càng cao của nền kinh tế. Cũng từ việc thu hút được nhiều công nghệ mới, tiên tiến mà Việt Nam đã sản xuất ra được nhiều sản phẩm mới mà trước đây trong nước chưa có", Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài thông qua FDI đã hạn chế đến mức tối đa việc nhập khẩu nhiều loại hàng hóa thuộc các lĩnh vực: dầu khí, sản xuất vật liệu xây dựng mới, hàng điện tử gia dụng, phương tiện giao thông…
Các doanh nghiệp FDI đã tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng cao, với hình thức, mẫu mã đẹp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài như các sản phẩm điện tử, cơ khí, chế tạo…
Chuyển giao công nghệ qua các dự án FDI vào Việt Nam thời gian qua đã diễn ra ngày càng đa dạng và phong phú. Nhiều công nghệ mới, hiện đại được du nhập vào nước ta nhất là trong các lĩnh vực dầu khí, điện tử, viễn thông, ôtô xe máy…
Nhiều ngành nghề, sản phẩm mới được tạo ra với công nghệ hiện đại, chất lượng tạo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tăng đáng kể năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.
Điều này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhiều nguồn lực trong nước như lao động, đất đai, tài nguyên được khai thác và sử dụng tương đối hiệu quả.
Ngoài ra, chuyển giao công nghệ còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, năng lực công nghệ trong nước được nâng cao.
Chưa như kỳ vọng
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, tình hình chuyển giao công Dự án FDI vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế, giá trị gia tăng không cao, lợi nhuận thu về ít. Tính cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường quốc tế còn yếu kém do hầu hết các công nghệ sử dụng trong FDI là các công nghệ đã và đang được sử dụng phổ biến ở bản quốc.
Việc tiếp thu học hỏi công nghệ cũng như kinh nghiệm quản lý của cán bộ Việt Nam trong quá trình hợp tác với nước ngoài chưa đạt được kết quả đáng kể. Đặc biệt là việc tiếp thu, khai thác ứng dụng công nghệ hầu như chỉ được trong phạm vi của các dự án FDI, việc đầu tư R&D thực hiện rất hạn chế, nhiều dự án chỉ cam kết khi thẩm định hồ sơ xin cấp Giấy chứng hận đầu tư, nhưng khi triển khai thì không thực hiện đúng như cam kết.
"Định hướng thu hút công nghệ cao, công nghệ khuyến khích đầu tư chưa đạt mục tiêu đặt ra mặc dù công nghệ đưa vào qua kênh này hầu hết có trình độ bằng hoặc cao hơn công nghệ sẵn có ở Việt Nam một chút, nhưng mới chỉ đạt mức trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với các nước trong khu vực”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Những công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI thường là công nghệ được đưa vào theo lợi ích của nhà đầu tư, mà thường không phải theo nhu cầu đổi mới công nghệ do phía Việt Nam chủ động đưa ra.
Hiện nay công tác lựa chọn công nghệ của Việt Nam còn rất yếu kém. Các doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ do nhu cầu của thị trường chứ không phải do chủ động kế hoạch. Hơn nữa, những công nghệ được chuyển giao phần lớn là do phía nước ngoài tự giới thiệu chứ không phải tự các doanh nghiệp của ta tìm kiếm hoặc tự nghiên cứu, thiết kế. Do vậy các công nghệ chuyển giao vào Việt Nam trong thời gian qua còn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
"Nếu không chủ động hơn trong việc lựa chọn công nghệ thì chúng ta không thể có được những công nghệ đem lại lợi ích cao và đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước”, báo cáo viết.
Ngoài ra, hoạt động R&D (nghiên cứu và triển khai) ở các doanh nghiệp FDI mới chỉ ở những công nghệ nhỏ, đơn giản hoặc nghiên cứu để cải tiến thích nghi phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nhìn chung, việc khai thác, học hỏi công nghệ thông qua FDI chưa đạt được kết quả như mong muốn.
>>>Samsung sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam
Hướng Dương