MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đạt được thỏa thuận đàm phán TPP về ôtô: Dân hồi hộp chờ ôtô giảm giá

Cuộc họp hội nghị Bộ trưởng 12 nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc tại Atlanta (Mỹ) ngày 4.10 đã đạt được sự đồng thuận về tỉ lệ sản xuất nội khối để được miễn thuế nhập khẩu đối với ôtô. Với thuế suất ưu đãi là 0%, người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng sẽ mua được ôtô giá rẻ.

Cơ hội và thách thức từ TPP

Kỳ vọng trên càng trở nên sáng sủa hơn khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi chính sách về thuế với ô tô theo hướng phân chia thành các nhóm nhỏ theo dung tích xilanh, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB) đối với các dòng xe nhỏ, tăng thuế ở mức cao với các dòng xe siêu sang, tiêu thụ nhiều nhiên liệu. Điều này cũng có nghĩa Chính phủ bảo hộ dòng xe ưu tiên có dung tích xilanh nhỏ (từ 3.0 lít trở xuống) không khuyến khích các dòng xe nhập khẩu có giá trị lớn, tiêu thụ nhiều nhiên liệu.

“Thực tế cho thấy, yếu tố quyết định để phát triển ngành công nghiệp ôtô là thị trường, nhưng Việt Nam (VN) với hơn 90 triệu dân nhưng mức tiêu thụ xe hơi trên đầu người vào loại thấp nhất khu vực. Năm 2014, VN chỉ tiêu thụ 150.000 xe, trong khi Thái Lan tiêu thụ 2,1 triệu xe; Indonesia, Malaysia cũng đạt trên 2 triệu xe/năm. Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp ôtô, ngành sản xuất ôtô trong nước vẫn ở dạng sơ khai, chủ yếu là lắp ráp linh phụ kiện” - ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí VN - nhật xét. Việc định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc sản xuất lắp ráp và tiến đến xuất khẩu linh kiện là vô cùng cần thiết và nó cũng là tiền đề cho việc ra đời chiếc xe “Made in Việt Nam”.

Trong bối cảnh hội nhập, VN tham gia vào các hiệp định kinh tế khu vực và thế giới, tới đây sẽ mở cửa thị trường, ôtô nhập ồ ạt vào VN với mức thuế 0%, vào TPP nhiều khả năng mức thuế nhập khẩu giữa các nước nội khối sẽ về 0%. Đến lúc ấy, nếu không chứng minh được tỉ lệ linh phụ kiện đạt 45% có xuất xứ nội khối, VN chỉ còn cách nhập khẩu từ các nước để được giảm thuế.

Ở góc độ khác, quá trình hội nhập này có thể mang đến những thách thức không nhỏ, đặc biệt với các nhà sản xuất trong nước. Ông Nguyễn Mạnh Quân - nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) - phân tích: Trong khi VN đang đàm phán hiệp định TPP, lộ trình cắt giảm thuế quan đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên ASEAN và ASEAN + 3 (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) sẽ giảm rất nhanh và đến năm 2018, mức phổ biến sẽ là 5%, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với xe nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN là 0%. Vì vậy, với tỉ lệ nội địa hóa ở mức thấp như hiện nay, VN có thể sẽ trở thành thị trường tiêu thụ xe ôtô của các doanh nghiệp nước ngoài.

Gom tiền chờ ôtô giá rẻ

Trong khi chờ lộ trình giảm thuế nhập khẩu ôtô, nhiều người dân đang rất trông chờ vào một cuộc giảm thuế TTĐB đối với dòng xe có dung tích nhỏ (dưới 3.0 lít). Theo một quan chức Vụ Công nghiệp (Bộ Công Thương), dù không nhận được sự đồng thuận từ phía các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô và thiểu số người dùng (theo thống kê, số người sử dụng các dòng xe siêu sang chỉ chiếm khoảng 3%), song với quan điểm bảo hộ dòng xe ưu tiên có dung tích xilanh nhỏ (từ 3.0 lít trở xuống), phù hợp với điều kiện đường sá VN, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm tăng mạnh thuế TTĐB với ôtô sang và giảm thuế xuống thấp cho xe nhỏ. Quan điểm này trên thực tế đã được Chính phủ đồng thuận.

Còn theo bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính, bộ này đã nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước, qua đó trình Chính phủ giá tính thuế đối với ôtô nhập khẩu bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu, đồng thời cho rằng mức thuế TTĐB áp dụng với mọi loại xe dung tích trên 3.0 lít sẽ được áp một mức thống nhất là 75% từ 1.7.2016, và về mức 70% từ ngày 1.1.2018 là phù hợp.

Việc áp thuế cao với ôtô nhập khẩu có dung tích trên 3.0 lít với mục đích hạn chế tiêu dùng, song so tương quan với thuế nhập khẩu sẽ giảm tương ứng vào các năm 2016 - 2017 và 2018 về mức 0% theo cam kết hội nhập WTO, tới đây là TPP, sẽ giúp VN hiện thực hoá chiến lược phát triển công nghiệp ôtô. Chỉ những dòng xe nhỏ, tỉ lệ nội địa hoá cao sẽ được hưởng thuế TTĐB ở mức thấp. Kỳ vọng của Bộ Công Thương là tỉ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ chiếm khoảng 78% nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Về phía người tiêu dùng, thuế TTĐB với các dòng xe sang nếu được thực hiện theo đề xuất của Bộ Công Thương chắc chắn giá xe sẽ bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Ngược lại, hiện đang có tâm lý gom tiền để mua những loại xe có dung tích nhỏ, phù hợp với túi tiền người dân.

Hy vọng đạt được TPP vào phút chót. Bộ trưởng Thương mại 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) một lần nữa đã không đi tới được thỏa thuận cuối cùng về hiệp định tự do thương mại khổng lồ này và cuộc đàm phán sẽ kéo dài thêm một ngày nữa vào ngày 4.10 giờ Mỹ, tức ngày 5.10 giờ Hà Nội. “Các vấn đề chủ chốt vẫn là bảo hộ sản phẩm sinh học và sữa, giữa Mỹ, Canada và New Zealand. Vấn đề ôtô đã được giải quyết hầu hết” - một quan chức Châu Á cho biết sau cuộc họp tối 3.10. Ngày đàm phán 4.10 sẽ là cơ hội cuối cùng để đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán này. V.N (Theo Reuters,ST)

Theo HỒNG QUÂN

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên