MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đủ khả năng đóng góp hiệu quả hơn cho APEC

Đó là khẳng định của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại hội thảo “Năm APEC Việt Nam 2017: hướng tới Cộng đồng APEC năng động, tự cường và gắn kết” tổ chức tại Hà Nội sáng 24-6.

Phát biểu tại hội thảo do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Ban thư ký APEC và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các diễn giả trong nước và quốc tế, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá Diễn đàn APEC là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực và trên thế giới, hội tụ hầu hết nền kinh tế năng động nhất của khu vực, đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu.

Trong những năm tới, APEC tiếp tục là diễn đàn then chốt để nâng cao vị thế của châu Á - Thái Bình Dương, là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu. Đối với Việt Nam, Diễn đàn APEC luôn có tầm quan trọng chiến lược vì “đây chính là nơi hội tụ hầu hết đối tác chiến lược, đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam, đem lại 78% đầu tư trực tiếp nước ngoài, 79% tổng giá trị thương mại quốc tế và 70% lượng khách du lịch đến Việt Nam. 13 trong số 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là với các đối tác APEC” - Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.

Là người đã chủ trì tổ chức thành công APEC năm 2006 tại Hà Nội, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cho rằng khác với APEC 2006, Diễn đàn APEC 2017 sẽ có những thay đổi về chất do trong khu vực và trên thế giới thời gian qua đã có những thay đổi lớn và sâu sắc về cả kinh tế và chính trị. Đó là quá trình chuyển dịch và tái cơ cấu nền kinh tế toàn cầu và của từng quốc gia, về chính trị là sự chuyển dịch sức mạnh của một số quốc gia và vị trí của các khu vực như Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, khu vực châu Âu không còn ảnh hưởng như trước trong khi châu Á - Thái Bình Dương ngày càng trỗi dậy với vai trò dẫn dắt nhưng cũng đã xuất hiện các dấu hiệu mới so với trước đó.

Ông Vũ Khoan đặt vấn đề trong bối cảnh đang có nhiều FTA, nhiều tổ chức hợp tác khác sẽ ra đời. trong đó có Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì “Chỗ đứng của APEC thời gian tới sẽ ở đâu? Liệu APEC có thay đổi thể chế để trở thành một FTA hay vẫn giữ nguyên là một diễn đàn hợp tác như bây giờ?”.

Trước xu hướng cạnh tranh nổi lên mạnh mẽ cả về kinh tế và chính trị, ngay cả giữa các quốc gia thành viên APEC, ông Vũ Khoan cho rằng tuy APEC là một tổ chức kinh tế, không phải chính trị nhưng sẽ không tránh khỏi tác động. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xu hướng liên kết, hợp tác của diễn đàn thời gian tới.

Quan điểm trên của ông Vũ Khoan nhận được sự chia sẻ của các diễn giả trong nước và quốc tế.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020.

Cho rằng việc lần thứ hai đăng cai tổ chức (lần đầu năm 2006) sẽ là đóng góp quan trọng nhất của Việt Nam đối với diễn đàn nhân dịp kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành thành viên của APEC, Phó thủ tướng khẳng định “Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để đóng góp hiệu quả hơn cho APEC”.

Phó thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan, viện nghiên cứu, Trung tâm APEC Việt Nam… cần nắm bắt xu thế chung trên toàn cầu và khu vực, khẩn trương nghiên cứu sâu hơn các nội dung hợp tác APEC, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến cụ thể cho APEC 2017, chuẩn bị và tổ chức thành công diễn đàn này.

Bộ Ngoại giao cho biết với tư cách là nước chủ nhà, trong khuôn khổ Diễn đàn APEC 2017, Việt Nam sẽ cần chuẩn bị cho hơn 100 hội nghị, cuộc họp các cấp tổ chức ở nhiều vùng miền trong cả nước. Dự kiến APEC 2017 sẽ đón tiếp khoảng 10.000 đại biểu, doanh nghiệp, báo chí trong tuần lễ cấp cao. Ủy ban quốc gia APEC 2017 sẽ được thành lập trong tháng 7.

Theo THANH HÀ

Tuổi trẻ

Trở lên trên