Việt Nam được đánh giá cao về môi trường đầu tư
Việt Nam sẽ là một trong những địa điểm đáng đầu tư nhất trong 20 năm tới, TS Kenneth Gabriel - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu doanh nghiệp, Đại học George Masan nhận định.
Các chuyên gia nước ngoài đánh giá tích cực về các chỉ số kinh tế Việt Nam năm 2014. Ngoài ra, ở góc nhìn dài hạn, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang phát triển tốt. Giới phân tích cho rằng, điều hành kinh tế vĩ mô là yếu tố chủ chốt quyết định sự phát triển của Việt Nam thời gian qua.
"Chúng ta thấy ở đây một chính phủ có khả năng điều hành nền kinh tế vĩ mô tốt, khuyến khích sự sáng tạo và tự do phát triển của mọi thành phần kinh tế mà vẫn giữ được sự ổn định của xã hội; từng bước tạo được lòng tin vững chắc của người dân đối với hệ thống chính trị. Do đó, Việt Nam sẽ là địa điểm đáng đầu tư nhất trong 20 năm tới", TS Kenneth Gabriel - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu doanh nghiệp, Đại học George Masan nhận định.
Trong khi đó, TS Thomas Jandl - Đại học Hoa Kỳ chỉ ra rằng: Vấn đề đối với Việt Nam là phải làm gì trong dài hạn để có thể duy trì tốc độ tăng trưởng đồng thời chuyển đổi mô hình từ giai đoạn công nghiệp hóa sang giai đoạn kinh tế tri thức. những chuyển đổi đó phải bắt đầu ngay từ lúc này và Việt Nam đang làm được điều đó.
Năm 2014, các tổ chức quốc tế như Fitch, Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín dụng đối với Việt Nam. Tháng 11/2014, Việt Nam đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế, với tỷ lệ đặt mua gấp hơn 10 lần so với lượng chào bán. Đây được coi là những cơ sở tốt để kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển trong những năm tới, đặc biệt là với triển vọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ có hiệu lực.
"TPP rất có lợi cho VN, nó buộc VN phài thực hiện những cải cách mà ai cũng biết là cần phải làm, đặc biệt là cải cách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước",TS Thomas Jandl nói thêm.
Năm 2014, nền kinh tế của các nước trên thế giới đã kết thúc với mức tăng trưởng khá thấp 3,4%. Trong khi đó, GDP của Việt Nam năm 2014 ước tính tăng 5,98%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,09% so với năm 2013. Mục tiêu kiềm chế lạm phát cũng đã được hoàn thành tốt.
Bước sang năm mới 2015 - một năm kinh tế thế giới dự báo tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tích cực với tốc độ khoảng 3% và với những nền tảng đã được thiết lập trong năm 2014, kinh tế Việt Nam cũng có thể kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn vào năm 2015.
Bước sang năm mới 2015 - một năm kinh tế thế giới dự báo tiếp tục phục hồi và tăng trưởng tích cực với tốc độ khoảng 3% và với những nền tảng đã được thiết lập trong năm 2014, kinh tế Việt Nam cũng có thể kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn vào năm 2015.
Theo Trường Sơn - Việt Hùng