“Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ!“
Đó là tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chiều 7/8 khi đề cập đến vấn đề nguồn vốn cho đầu tư công trung hạn tại hội nghị toàn quốc ngành KH-ĐT đang diễn ra tại Đà Nẵng.
- 06-08-2014Đổi mới trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
- 25-06-2014Năm sau, GDP bình quân đầu người của 7 tỉnh thành Bắc Bộ sẽ vươn tới 3.500 USD
- 21-06-2014Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng
Khắc phục tình trạng hàng năm phải xin
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 – 2020 là hết sức quan trọng và việc triển khai trong thời điểm này là cần thiết, kịp thời, chủ động để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
Về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, thời gian qua đã thực hiện có kết quả bước đầu, đem lại nhiều lợi ích mà quan trọng nhất là các tỉnh, các bộ, ngành biết số vốn được phân bổ từ ngân sách hoặc trái phiếu để lựa chọn danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đưa vào kế hoạch, chủ động chuẩn bị đầu tư, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, dàn trải lâu nay nói rất nhiều những không khắc phục được.
Khi xây dựng kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, từ TƯ đến các tỉnh, thành phải căn cứ cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ và chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2011 – 2020) mà Đại hội 11 của Đảng đã thông qua cùng các Nghị quyết chuyên đề của TƯ.
Đồng thời căn cứ kết quả phát triển KT-XH 5 năm 2011 – 2015 được đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan, toàn diện cả thành tựu lẫn hạn chế, yếu kém để rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Không đề ra kế hoạch không có căn cứ để khi kiểm điểm lại nói lý do này, lý do khác. Đồng thời phải nâng cao chất lượng dự báo bối cảnh quốc tế và trong nước để chủ động tính toán kế hoạch.
“Cách làm này cũng khắc phục được tình trạng hàng năm phải xin. Gần cuối năm là Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính không có chỗ để tiếp đón các tỉnh, các Bộ khác. Cũng một dự án đó nhưng kết thúc năm, chuyển qua năm mới thì phải xin vốn mới bổ sung. Rất phiền hà, tốn thời gian, chưa nói còn đẻ ra chuyện này, chuyện khác.
Tinh thần là triển khai đầu tư trung hạn từ cấp TƯ, cấp tỉnh đến quận, huyện, cơ sở để làm sao đầu tư công hiệu quả, chất lượng hơn, khắc phục được đầu tư dàn trải, khắc phục được những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, tiêu cực” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Dứt khoát không để vỡ nợ!
Thủ tướng cũng nêu rõ, để triển khai đầu tư công trung hạn thì nguồn vốn cũng phải trung hạn. Trước hết, TƯ và các tỉnh, thành phải bố trí đầu tư ngân sách trung hạn vào những khâu đột phá để tạo điều kiện cho phát triển. “Tôi đã làm việc với Bộ trưởng Tài chính, bây giờ chúng ta phải thực hiện theo Luật Ngân sách hiện hành, nhưng sắp tới sửa Luật Ngân sách cũng phải tính kế hoạch trung hạn trong chi đầu tư của ngân sách theo hướng năm sau cao hơn năm trước 10%” – Thủ tướng cho hay.
Bên cạnh đó là nguồn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương, nguồn ODA và nguồn vay ưu đãi. Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ, phải bố trí đủ để trả nợ, chủ yếu là trả nợ phần đầu tư xây dựng trước. Trái phiếu cũng phải tính 5 năm. Tổng trái phiếu Chính phủ và địa phương chúng tôi sẽ tính kỹ, căn cứ vào bảo đảm nợ công rồi mới tính phát hành trái phiếu thế nào để có nguồn vốn bổ sung cho đầu tư phát triển nhưng đồng thời giữ vững an toàn cho nền tài chính quốc gia”.
Ngoài nguồn vốn ngân sách cho đầu tư công, tập trung chính cho các đột phát chủ yếu về thể chế và hạ tầng kinh tế xã hội (đặc biệt là các công trình quan trọng, thiết yếu cho tái cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cho đời sống của người dân), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện cơ chế xã hội hóa, cơ chế kinh tế thị trường để thu hút các nguồn lực tổng đầu tư toàn xã hội. Nếu không huy động nguồn lực đầu tư ngoài xã hội thì không thể nào đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Phải thay đổi cách tính GDP không giống ai
Về việc tính lại cách tính GDP của các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, đây không phải hình thức chủ nghĩa mà là yêu cầu khách quan trong quá trình chuyển đổi từ kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường. Việc kéo dài cách tính theo Liên Xô trước đây cho tới nay đã khiến những mặt tích hợp với tình hình trước kia trở thành không thích hợp với tình hình hiện nay.
“Tôi nói một cách rất thật, cách tính GDP của các tỉnh, thành hiện nay là không xác thực, không đúng thực tế và so với quốc tế thì không giống ai cả. Đây là một sự thật mà chúng ta không thể kéo dài mãi một khi chúng ta đã hội nhập, đã đổi mới. Cách tính tăng trưởng GDP của cả nước, tính lạm phát, tính chỉ số giá CPI thì các tổ chức quốc tế thừa nhận mình tính sát, còn GDP của các địa phương thì phải tính lại để xác thực hơn, đúng thực tế hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế hơn.
Đúng là khi tính lại thì có chuyện này, cũng nhạy cảm nhưng chúng ta nên nhìn sự thật. Tính lại là thấp hết. Tôi đi làm việc với tỉnh nào cũng tăng GDP 13 – 14% hết, nhưng cộng 63 tỉnh, thành thì làm sao lại có con số tăng trưởng GDP của cả nước chỉ hơn 5%? Chúng ta nên chấp nhận tính lại một cách khoa học cho chính xác. Nếu đổi mới cái này cho xác thực, phù hợp thực tế thì chúng ta có căn cứ để tính kế hoạch 5 năm tới!” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
>>>Phấn đấu GDP bình quân tăng 6,5-7%/năm, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển
Theo Hải Châu