MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Việt Nam không có cách nào khác trong việc lựa chọn lợi thế cạnh tranh của mình"

Lợi thế so sánh của các bạn nằm ở người dân. Đó là lợi thế rất mạnh, không có giới hạn. Người dân lúc nào cũng sáng tạo và tự nâng cao năng lực. Vấn đề là đưa ra hệ thống giáo dục tốt hơn

- Dường như không có sự công bằng giữa các nước phát triển và chưa phát triển trong việc gia nhập WTO?

- Đúng, không công bằng nhưng đó là thực tế!

Ông Pascal Lamy - nguyên tổng giám đốc tổ chức thương mại thế giới WTO từng trả lời như vậy vào năm 2007, khi Việt Nam đang đàm phán để gia nhập tổ chức này.

Như chúng ta đã biết, cuối cùng Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO vào ngày 11/01/2007. Sau 8 năm, Việt Nam được ghi nhận là thành công điển hình khi một quốc gia gia nhập vào tổ chức WTO. Tuy nhiên, như ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI phát biểu trong lời khai mạc buổi Tọa đàm giữa ông Pascal Lamy với doanh nghiệp thì “rất tiếc là sự hứng khởi đã lắng xuống khi những cải cách thể chế chỉ dừng lại ở mức yêu cầu của WTO mà không dựa trên những vấn đề nội tại của Việt Nam”.

Theo ông Lộc, không phải các chính sách mới về thuế quan mà cải cách thể chế chính là yếu tố tác động sâu sắc nhất đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp thời gian qua chưa tận dụng được hết cơ hội mà WTO đem lại, và giờ đây cải cách thể chế một lần nữa được khẳng định quyết liệt là điều quan trọng nhất để Doanh nghiệp tận dụng được những lợi thế của WTO, cũng như tiến tới những hiệp định quốc tế mới như TPP và các hiệp định FTA.

Lại nói về vấn đề công bằng trong việc tham gia các hiệp định quốc tế, các chuyên gia từng phát biểu rất nhiều rằng đó là một cuộc chơi mà khi đã tham gia thì các bên phải tuân thủ theo luật. Nhưng suy nghĩ theo cách thông thường cũng thấy, trong một cuộc chơi, khi sức mạnh của các thành viên không tương đương nhau thì sự công bằng theo luật cũng chỉ mang tính tương đối. Vậy để có thể bớt đi sự “bất công”, cách tốt nhất là nâng cao lợi thế của mình.

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam: lựa chọn duy nhất là con người

Ông Pascal Lamy nhận xét, trước đây, khoảng cách và quá trình vận chuyển hàng hóa là yếu tố hạn chế của hoạt động thương mại. Nhưng ngày nay, với sự đột phá trong công nghệ thông tin và hệ thống logistic, chi phí này đã giảm nhiều và giúp cho quá trình nội địa hóa cũng đơn giản hơn. Vào những năm 1960 -1970, chỉ riêng việc phát minh ra container để vận chuyển hàng hóa đã giúp doanh nghiệp giảm 50% chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin đã xóa hết các khoảng cách xa xôi trước đây và việc truyền tin trở nên đơn giản vô cùng.

Chính vì vậy, các tập đoàn đa quốc gia có thể đa dạng hóa nơi sản xuất một cách dễ dàng. Lựa chọn của họ nằm ở những quốc gia đang phát triển, nhưng phải là những quốc gia có lợi thế cạnh tranh hơn.

Theo quan điểm của ông Pascal Lamy thì Việt Nam không có cách nào khác trong việc lựa chọn lợi thế cạnh tranh của mình.

“Lợi thế so sánh của các bạn nằm ở người dân. Đó là lợi thế rất mạnh vì nó không có giới hạn. Người dân lúc nào cũng sáng tạo và tự nâng cao năng lực. Vấn đề là đưa ra hệ thống giáo dục tốt hơn thôi.”

Như thế tức là Việt Nam không thể mãi tăng trưởng kinh tế dựa trên việc tận dụng tài nguyên thiên nhiên. Mà kể cả dựa trên thiên nhiên như tài nguyên biển, đánh bắt thủy, hải sản thì “vấn đề không phải là đánh được bao nhiêu cá mà là tận dụng được lợi thế con người để tạo thêm giá trị cho sản phẩm như thế nào”. Nguyên tổng giám đốc của WTO nhấn mạnh, chính sách thương mại tốt nhất của Việt Nam bây giờ là đầu tư vào giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việt Nam gia nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Nhưng điều cần hiểu, không phải con số kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta đạt bao nhiêu mà giá trị gia tăng chúng ta tạo ra cho nền kinh tế của mình là bao nhiêu trong quá trình hội nhập quốc tế này mới là điều quan trọng.

Theo ông Lamy, Việt Nam có vị trí quan trọng trên thị trường cấp độ trung bình nhưng phải tiến dần lên phân khúc chất lượng cao. Ngay cả ở phân khúc thấp cũng phải đạt được tiêu chuẩn chất lượng nhất định. Lấy dẫn chứng từ Brazil, ông Lamy cho hay, 20 năm trước, chất lượng gia cầm của Brazil quá thấp, không thể tiếp cận thị trường Châu Âu. Tuy nhiên, các nhà sản xuất của Brazil biết họ sẽ tạo ra lợi thế so sánh nếu đầu tư nâng cao chất lượng và xây dựng hệ thống nhà máy sản xuất thịt gia cầm. Với việc dự báo được xu hướng mà quốc gia khác không nhìn thấy, họ đã có bước đi đúng đắn.

Việt Nam nếu dự đoán đúng được đường đi như vậy thì sẽ tạo được lợi thế so sánh cho mình.

Một vấn đề quan trọng nữa là logistic. Do yếu tố địa điểm sản xuất thay đổi nên quốc gia có hệ thống logistic với chi phí thấp sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó là các vấn đề như có đủ xăng dầu hay không, chi phí nhiên liệu như thế nào…

“Dù các bạn có hoa quả ngon nhưng trong qúa trình vận chuyển đóng gói mà không tốt thì cũng không có lợi thế cạnh tranh khi đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, đối với Việt Nam, logistic càng quan trọng hơn.” – ông Lamy cho biết.

Hệ thống hành chính quan liêu làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà xuất nhập khẩu

Ông Lamy cho rằng bản chất của rào cản thương mại đã thay đổi theo thời gian. Trước đây, các quốc gia sử dụng rào cản truyền thống như thuế quan nhằm bảo hộ nền sản xuất trong nước. Nhưng ngày nay, các biện pháp phi thuế quan với mục đích bảo vệ người tiêu dùng khỏi rủi ro về sức khỏe, an toàn, môi trường đã trở thành công cụ chính.

Với các biện pháp phi thuế quan này, doanh nghiệp phải được cấp chứng chỉ chứng nhận chất lượng, xuất xứ… mới có thể xâm nhập vào các thị trường khó tính. Thực tế theo ông Lamy, thủ tục hành chính khiến cho chi phí trong hoạt động thương mại tăng gấp 2 lần. Chi phí cho hàng hóa qua biên giới trong những năm qua chiếm hơn 10% giá trị thương mại trong khi chi phí thuế quan đã là 5%. Những quy định về thủ tục hành chính phải được thông qua để có thể ký kết các hiệp định quốc tế vẫn đang được đàm phán nhưng Việt Nam thực sự yếu thế trong việc này.

“Các bạn có hệ thống hành chính quan liêu và cồng kềnh khiến cho khả năng cạnh tranh của các nhà xuất nhập khẩu bị kém đi. Với khoản chi phí hành chính chiếm 10% giá trị xuất nhập khẩu thì những người làm ăn với các bạn sẽ chuyển hết vào giá bán. Người tiêu dùng là người phải chịu chi phí này.”

Lời khuyên cho Việt Nam

Đưa ra một lời khuyến nghị, ông Lamy cho rằng ASEAN +6 là chuẩn mực mới, động lực cho quá trình cải cách của Việt Nam.

“Nếu là Việt Nam, tôi sẽ coi ASEAN là nơi để hài hòa hóa các tiêu chuẩn, quy định. Nga, Châu Phi, Brazil… những quốc gia không hướng đến TPP cũng tồn tại những vấn đề còn lớn hơn Việt Nam. Các bạn có cơ chế ASEAN là cơ chế đã hoạt động rồi để mà hướng tới.” – ông Lamy khuyến nghị.

Bổ sung quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết Chính phủ Việt Nam đang tiếp cận với ASEAN +6 để phù hợp thực tiễn của Việt Nam.

Trong một buổi nói chuyện về TPP với các doanh nghiệp, thứ trưởng Bộ công thương Trần Quốc Khánh có nói: chúng ta cần một hiệp định tốt nhưng không hy sinh tất cả chỉ để đáp ứng mục đích kết thúc đàm phán. Quan điểm chung là “không có hiệp định thì tốt hơn là một hiệp định tồi”.

Nhưng rõ ràng tham gia vào các hiệp định quốc tế là cơ hội của Việt Nam. Có điều kết quả đàm phán có hài hòa được quyền lợi và nghĩa vụ của chúng ta hay không, chúng ta có thể giành “công bằng” trong đàm phán hay không…? Dù sao, muốn làm gì cũng phải có sức mạnh, đó là lợi thế cạnh tranh.

>>> Nhật tránh Trung Quốc: Việt Nam có thể thay thế

Bảo Linh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên