MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam phải nâng cao năng lực sáng tạo để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình

Hôm nay (ngày 24/11/2014) Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Tổ chức Hợp tác phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố Báo cáo Đánh giá khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Báo cáo này cho rằng, Việt Nam cần lựa chọn con đường nâng cao năng suất lao động dựa trên sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Theo ông Andrew Wyckoff – Giám đốc khoa học Kỹ thuật đổi mới sáng tạo của OECD thì thách thức của Việt Nam lúc này là đạt mức tăng trưởng cao và bền vững trong điều kiện môi trường quốc tế kém sôi động hơn.

“Để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước” - ông Andrew Wyckoff nói.

Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với việc phải đầu tư sớm vào năng lực phát triển công nghệ hiện đại. Làm được như vậy sẽ giúp các DN Việt Nam  nâng cao được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Báo cáo đánh giá chung của Ngân hàng Thế giới và OECD đã nêu một số khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo ở Việt Nam như sau: 

Thứ nhất, phải cải thiện khuôn khổ thể chế về đổi mới sáng tạo: Khung kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh chung, quy chế thị trường sản phẩm, mức độ cạnh tranh độ mở thương mại và đầu tư nước ngoài, tài trợ kinh doanh, hệ thống thuế, trình độ và chất lượng doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng là những điều kiện cần thiết về mặt thể chế sẽ tác động lên hệ thống đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Thứ hai, tăng cường quản trị công trong hệ thống đổi mới sáng tạo: Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc đề ra định hướng ưu tiên phát triển kinh tế và xã hội trong dài hạn, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn nhân lực phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, đảm bảo cho các tổ chức nhà nước vận hành tốt và các bộ phận trong hệ thống đổi mới sáng tạo gắn kết với nhau tạo ra một chỉnh thể thống nhất.

Thứ ba, tăng cường nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo: Việt Nam cần đảo chiều việc chảy máu chất sám thành thu hút chất sám, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp, tạo điều kiện nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, chú trọng hơn nữa đến năng lực kinh doanh và các kỹ năng mềm, thúc đẩy trao đổi kiến thức giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu của nhà nước và khu vực doanh nghiệp.

Thứ tư, đẩy mạnh sáng tạo trong các doanh nghiệp đồng thời nâng cao mức độ đóng góp của các cơ quan nghiên cứu nhà nước và tăng cường các mối liên kết trong đổi mới sáng tạo.


Khánh Nhi

huongtt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên