MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam tập trung giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài vào 4 lĩnh vực

4 lĩnh vực đó là kết cấu hạ tầng, phát triển nhân lực chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp.

Vào ngày 28/10/2014, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI phối hợp với UBND Tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo “Ngày nhà máy FDI” hội tụ tại khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh.

Tại buổi Hội thảo, ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết Chính Phủ Việt Nam vẫn kiên định và nhất quán chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo định hướng tiếp tục cải thiện chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp để có tính cạnh tranh hơn. Theo đó, song song với việc trình Quốc hội thông qua các đạo luật quan trọng như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp sửa đổi… thì Chính phủ đang rà soát lại tổng thể hệ thống pháp luật để đồng bộ hóa, tránh xung đột mâu thuẫn và chồng chéo. Trong đó, Chính Phủ sẽ công khai minh bạch tất cả lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện, các lĩnh vực bị cấm.

Ông Quang nhấn mạnh đến các biện pháp mà Chính phủ đã thực hiện, tiêu biểu là chính sách giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp. Từ ngày 1/4/2014, thuế TNDN đã giảm từ 25% xuống còn 22% và từ tháng 1/2016 mức thuế này tiếp tục giảm xuống còn 20%.

Một giải pháp quan trọng không kém là tăng cường cơ chế đối thoại giữa cộng đồng Doanh nghiệp với cơ quan chính phủ. Cụ thể, Chính Phủ Việt Nam đã duy trì cơ chế đối thoại đa phương và song phương với cộng đồng doanh nghiệp của tất cả các nước. Ngoài ra, trong thời gian tới, ông Quang cho biết ngoài những giải pháp nói trên, Chính Phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xúc tiến hoạt động đầu tư tại chỗ.

Nhận định về việc cải cách hành chính – vốn là nút thắt đối với sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài khẳng định đây không còn là sự cải cách trên tư tưởng mà hiệu quả đã được thể hiện trong thực tế.

Ví dụ như việc nộp thuế, trước kia Doanh nghiệp phải mất 537 giờ trong năm để làm thủ tục, nay thời gian này giảm còn 201 giờ/năm và dự kiến đến năm 2015 sẽ giảm xuống còn 171 giờ – tương đương các nước trong Asean. Việc thông quan hàng hóa cũng đã giảm xuống còn 63 giờ, bảo hiểm xã hội giảm từ 335giờ xuống 108 giờ và dự kiến năm 2015 chỉ còn 49,5 giờ.

Một thủ tuc rất quan trọng đối với doanh nghiệp là thủ tục thành lập Doanh nghiệp và gia nhập thị trường. Từ năm 2005 – 2008, thời gian trung bình để hoàn thành các thủ tục này là 32 ngày, hiện tại đã giảm chỉ còn 5 ngày và tiến tới năm 2015 giảm chỉ còn 2 – 3 ngày. Ông Quang nhận xét, dù vậy kết quả này có đạt được hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc sửa đổi luật đầu tư và luật Doanh nghiệp.

Cùng với việc tích cực gia nhập hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam, ông Đặng Xuân Quang khẳng định về một sự dịch chuyển dòng vốn từ khu vực khác sang Việt Nam đã thể hiện khá rõ nét trong thời gian qua.

“Điều này cho thấy sự cải thiện về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã hấp dẫn nhà đầu nước ngoài.” – phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài nhận xét.

Ông Quang cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện rất nhiều chính sách để khuyến khích đầu tư vào 4 lĩnh vực.

Thứ nhất là phát triển kết cấu hạ tầng. Trong lĩnh vực này, ông Quang kỳ vọng sẽ hoàn thiện xong mô hình hợp tác công tư PPP trong năm nay để tạo điều kiện và động lực để phát triển.

Lĩnh vực thứ 2 là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Lĩnh vực thứ 3, đã được nhắc đến rất nhiều, đó là công nghiệp phụ trợ. Ông Quang cho rằng đây là 1 trong những điểm yếu cần nghiên cứu giải pháp tháo gỡ ngay và hiện tại Chính Phủ đang xây dựng cơ chế chính sách mới cho lĩnh vực này.

Lĩnh vực thứ 4 là nông nghiệp, công nghiệp, chế biến với mục tiêu làm gia tăng giá trị cho sản phẩm. Việt nam là một đất nước có tỷ lệ dân số làm việc trong nông nghiệp rất cao. Lợi thế về ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng là điều mà nhiều tổ chức quốc tế đã ghi nhận.

“Đó là dư địa quan trọng để Nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn.” – ông Quang phát biểu.

Mai Linh

trangminh

Tài chính Plus

Trở lên trên