Vietnam Access Day: Nhà đầu tư nước ngoài lạc quan về Việt Nam
Các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện sự tin tưởng và lạc quan với kinh tế Việt Nam hiện nay, khi có nhiều tín hiệu tốt đang cho thấy sự phục hồi trở lại.
- 18-03-2014Vietnam Access Day: TTCK sẽ sinh lời cao, lợi nhuận của ngân hàng vẫn tốt
- 18-03-2014Nguyễn Xuân Thành –Giám đốc Fulbright: Hạ lãi suất, tiền hoàn toàn có thể chảy vào chứng khoán
Chiều ngày 18/3, Hội nghị Vietnam Access Day đã kết thúc ngày đầu tiên trong chuỗi ngày từ 18 đến 21/3/2014, do Viet Capital tổ chức tại Tp.HCM với sự tham dự của hàng trăm khách mời, nhà đầu tư quốc tế đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Ngày đầu tiên của Hội nghị, các diễn giả, nhà đầu tư chủ yếu bàn luận đến vấn đề kinh tế vĩ mô VN, chia sẻ những cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu tại VN hiện nay như Masan Group, Vietcombank, MBbank, PV Gas, PV Trans, Bảo Việt Group, Trafaco…
Các chủ đề được quan tâm tại hội nghị liên quan đến vấn đề đàm phán TPP, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, các chính sách điều tiết nền kinh tế của Chính phủ,…Theo ông Fred Burke, đại diện công ty luật Baker & Mc Kenzie, Mỹ kỳ vọng sẽ ký được TPP vào quý 2/2014 này.
Ông Ralf Matthaes, đại diện công ty nghiên cứu Taylor Nelson Sofres (TNS) đã có những nhận địch lạc quan về nền kinh tế VN. Tăng trưởng GDP đang cho thấy sự cải thiện, năm 2012 GDP đạt 4,3% thì đến 2013 GDP đạt mức 5,42%.
Tin vui đối với nền kinh tế tiếp tục được củng cố khi dòng vốn FDI quay lại, đồng thời xuất khẩu tăng mạnh trong những năm vừa qua….
FDI đăng ký sau nhiều năm sụt giảm từ năm 2008 ở mức 60 tỷ USD, từ đó các năm liên tục suy giảm, đến 2012 vốn FDI bắt đầu tăng lên 11 tỷ USD và năm 2013 đạt 21 tỷ USD.
Vốn thực hiện FDI cũng đạt được con số tích cực trong 2 năm qua khi luôn duy trì ở mức 10-11 tỷ USD.
Tín hiệu vui thứ ba là xuất khẩu, xuất khẩu VN từ năm 2010 đến nay liên tục tăng qua các năm, từ mức 71 tỷ USD năm 2010 lên hơn 132 tỷ USD vào năm 2013.
Tuy nhiên, Ông Ralf Matthaes cũng lưu ý đến vấn đề xuất khẩu có thể là cứu cánh cho VN, nhưng liệu có bền vững?
Thâm hụt thương mại cải thiện rất đáng kể cũng là tín hiệu vui cho các nhà đầu tư quốc tế. Trong 2 năm qua, thâm hụt thương mại đã giảm mạnh. Từ 17,4 tỷ USD năm 2010 xuống còn 9,6 tỷ USD năm 2011, và đặc biệt là giảm mạnh chỉ còn 0,3 tỷ USD và 0,9 tỷ USD lần lượt vào các năm 2012 và năm 2013.
Điều dễ nhận thấy ở sự quan tâm của hầu hết các nhà đầu tư quốc tế đó là lạm phát của VN, 3 năm liên tiếp giảm từ hơn 18% xuống còn 6,6% vào năm 2013 và hiện vẫn duy trì mức ổn định.
Các yếu tố về chi tiêu, quảng cáo, niềm tin người tiêu dùng,…được TNS nghiên cứu cho thấy sự khởi sắc trở lại. Chi tiêu cho quảng cáo năm 2010 chỉ ở mức 726 triệu USD, thì con số này đã tăng lên 1,32 tỷ USD vào năm 2013. Chi tiêu vào đầu năm nay tăng 6% so với năm 2013, dự báo sẽ tiếp tục tăng ở cả khu vực trong nước và FDI trong năm 2014
Cũng theo Ông Ralf Matthaes, trong quý 1 này xu hướng đầu tư là các công ty Asean đang quan tâm đến cơ hội đầu tư ở VN, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, phân phối và bán hàng. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại VN cũng bắt đầu có sự tăng trưởng ấn tượng và thể hiện sự khác biệt của mình.
Theo nhận xét của ông Ralf Maththaes, kinh tế VN đã chạm đáy, Chính phủ tạo thêm sự lạc quan hơn để niềm tin trở lại. Ông dự báo 12 tháng tới niềm tin người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn trong năm 2014, đặc biệt là giáo dục được dự báo tăng từ 13% năm 2013 lên 46% năm 2014, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác sẽ tăng trong khi đó chi tiêu vào các hoạt động giải trí và đồ uống sẽ giảm từ 50% xuống mức 8%.
Tuy nhiên, ông cũng đang lo ngại đến vấn đề lạm phát và giảm phát của VN trong năm 2014.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch Tập đoàn Bản Việt mong muốn Vietnam Access Day sẽ là cầu nối quan trọng giữa VN và các nhà đầu tư quốc tế nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế VN đang có chuyển biến tích cực. Lạm phát xuống còn hơn 6,6% là mức thấp nhất 10 năm qua, FDI giải ngân 12,5 tỷ USD cao hơn dự báo ban đầu 20%, đồng tiền VND ổn định,… dẫu rằng nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức.
Kiều Thuật