MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinacomin thông tin về công nghệ và thuế xuất khẩu Alumina

Liên quan đến việc một số cơ quan báo chí đưa về mức thuế suất 0% đối với thuế xuất khẩu alumina, cũng như về công nghệ của hai dự án bauxite, Vinacomin đã có ý kiến chính thức về vấn đề này.



Theo Vinacomin, việc một số cơ quan báo chí đưa về mức thuế suất 0% đối với thuế xuất khẩu Alumina đã gây ra những hiểu nhầm trong công chúng.

Quan điểm chính thức của Vinacomin như sau : Mặt hàng ô xít nhôm (Alumina) có mã số hàng hóa (mã HS) là 2818.20.00 với mức thuế suất (thuế xuất khẩu) là 0%, mức thuế này tương đương với mức thuế 0% của các nước xuất khẩu chính Alumina như Brazil, Ấn độ, Australia...

Trong danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu của các nước, sản phẩm Alumina được khai báo và thống kê theo phân nhóm “Ôxít nhôm” với mã số 2818.20 chứ không xếp vào phân nhóm “Quặng nhôm và tinh quặng nhôm” có mã số 2606.00.

Sản phẩm Alumina (ô xít nhôm: Al2O3) không phải là tinh quặng nhôm, mà là một loại hàng hóa được chế biến rất sâu từ tinh quặng nhôm ra.

Theo Vinacomin, Alumina là một loại sản phẩm rất tinh khiết, khác về bản chất đối với các loại quặng nhôm thô và tinh quặng nhôm. Ví dụ, đối với sản phẩm Alumina do Tổ hợp Alumina Tân Rai sản xuất, hàm lượng ô xít nhôm Al2O3 trong Alumina là > 98,6%, cao hơn quy định về xuất khẩu sản phẩm khoáng sản Alumina hiện nay Al 2O3 > 98,5%.

Từ tinh quặng nhôm phải qua nhà máy luyện kim (nhà máy Alumina) mới sản xuất ra Alumina. Để sản xuất ra Alumina từ tinh quặng nhôm, phải làm thay đổi cả cấu trúc mạng tinh thể của tinh quặng nhôm (Suất đầu tư để khai thác quặng nhôm thô chỉ khoảng 20 USD/tấn; suất đầu tư để sản xuất ra tinh quặng nhôm khoảng 45-50 USD/tấn; Suất đầu tư để sản xuất ra Alumina lên đến 1.000 USD/tấn).   

Còn mức thuế suất 15-40% ở mục 16 trong Nghị quyết số 710/2008/UBTVQH12 là được áp dụng cho quặng sắt và quặng nhôm, chứ không phải thuế suất áp dụng cho Alumina.

Ngoài ra, trong quá trình khai thác quặng bauxite và sản xuất Alumina, Vinacomin sẽ có nghĩa vụ nộp các khoản thuế khác theo luật hiện hành như thuế và phí môi trường, thuế VAT, thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Về công nghệ sản xuất Alumina

Bên cạnh đó, Vinacomin cũng thông tin rõ hơn về công nghệ của dự án bauxite. Tổ hợp nhà máy Alumina Nhân Cơ (tương tự như ở Tân Rai) có 3 nhà máy: Nhà máy Alumina 650.000 tấn Alumina/năm; Nhà máy nhiệt điện sử dụng than công suất 30 MW (2 tổ máy x 15 MW) và Nhà máy khí hóa than cấp nhiệt để nung Hydrat chế biến thành Alumina.

Công nghệ nguồn để sản xuất Alumina trên thế giới đang sử dụng phổ biến là Công nghệ Bayer sản xuất alumina bằng phương pháp thuỷ luyện. Công nghệ được sử dụng trong 2 dự án Alumin Tân Rai và Nhân Cơ của Vinacomin là Công nghệ Bayer Châu Mỹ là công nghệ chung của thế giới đang được vận hành tại các nhà máy Alumina xử lý quặng bauxite dạng gip-xit chứ không phải là công nghệ của Trung Quốc.

Trên thế giới theo thống kê năm 2007 có khoảng 27 nhà máy sản xuất Alumina xử lý quặng bauxite gip-xit, trong đó 26/27 nhà máy dùng công nghệ hoà tách ở nhiệt độ 140-145 độ C tương tự như áp dụng ở Tân Rai và Nhân Cơ.

Hiệu suất thu hồi sản phẩm Alumina, tiêu hao nguyên liệu, nước, điện năng,… của hai dự án ở Lâm Đồng và Nhân Cơ tương đương và thấp hơn so với hãng Pechiney-AP-Pháp đề xuất cho dự án Tân Rai.

Về công nghệ xử lý bùn đỏ

Phương pháp thải bùn đỏ đang áp dụng ở Nhà máy Alumina Tân Rai và Nhân Cơ không phải là phương pháp thải ướt - lagooning hay ponding (tỷ lệ rắn/lỏng của bùn thường khoảng từ 20-30%) mà là phương pháp thải chồng lớp khô (Dry Stacking).

Số liệu thống kê năm 2007, chỉ có khoảng 6% nhà máy thải bùn đỏ ra biển (Phương pháp thải ướt), 24% nhà máy thải bùn đỏ ra hồ chứa (Phương pháp thải ướt) và có tới 70% nhà máy sử dụng phương pháp thải chồng lớp khô, phương pháp thải khô (bùn cô đặc ở dạng bánh với nồng độ rắn lớn hơn hoặc bằng 65%) rất ít áp dụng.

Thực tế tại khu thải bùn đỏ ở Tân Rai hiện nay là người có thể đi lại bình thường trên những vị trí đã thải sau khoảng 10 ngày.

Về công nghệ hệ thống khí hóa than

Công nghệ sử dụng khí hóa than được sử dụng từ những năm 1960 tương tự như công nghệ Bayer để chế biến Alumina từ bauxite có từ thế kỷ 18 nhưng luôn luôn được hoàn thiện.

Tuy nhiên không thể nói đây là công nghệ lạc hậu. Tính tiên tiến của công nghệ hiện nay là xem xét việc áp dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong hệ thống khí hóa than cũng như trong nhà máy Alumina để đánh giá mức độ tiên tiến của công nghệ sử dụng.

Hệ thống khí hóa than sử dụng cho nhà máy Alumina Lâm Đồng và Nhân cơ được sử dụng các công nghệ tiến tiến đang áp dụng trên thế giới thể hiện ở các điểm như các thiết bị khí hóa ga có năng suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng hệ thống buồng đốt ghi quay để có thể vận hành liên tục, sử dụng hệ thống thu hồi nhiệt tường lò (bằng việc sinh hơi nước) để tận dụng triệt để nhiệt năng cháy của than, sử dụng hệ thống điều khiển khả lập trình PLC tiên tiến, hệ thống đo lường hiện đại, sử dụng hệ thống đo lường, quan trắc môi trường để kiểm soát nồng độ khí ga thoát ra môi trường, giá thành đốt bằng khí ga – chuyển đổi từ than bằng 35% giá thành đốt dầu DO…

Hệ thống khí hóa than của dự án được thiết kế có thể sử dụng được cả than xấu và than tốt . Tuy nhiên dự án sử dụng than tốt vì đặc điểm của dự án là vị trí đặt xa biển và khu vực mỏ khai thác than nên việc sử dụng than tốt sẽ có hiệu quả hơn than xấu do giảm chi phí vận chuyển than (than tốt cho hiệu suất sinh khí/ tấn than tốt hơn than xấu), giảm quy mô đầu tư thiết bị khí hóa than (nếu dùng than xấu thì phải tăng quy mô thiết bị khí hóa than mới đủ năng suất cung cấp khí than yêu cầu của lò nung Alumina).

 Theo Bình Minh

thunm

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên