MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn “ngoại” dồn dập chọn Việt Nam là điểm đến

Những tháng đầu năm 2016, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Một trong những yếu tố tạo nên bức tranh thu hút FDI đầy sắc hồng này là nhờ những hiệp định thương mại tự do được ký kết hay hoàn tất đàm phán gần đây.

Thu hút FDI cao nhất trong nhiều năm trở lại đây

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2015, vốn FDI đăng ký là 22,757 tỷ USD (tăng 12,5% so với năm 2014), vốn thực hiện là 14,5 tỷ USD (tăng 17,4% so với năm 2014). Nhiều dự án FDI có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20-2-2016 cả nước có 291 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là hơn 1,9 tỷ USD, tăng tới 167,5% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, còn có 137 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 898 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm 2015.

Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đã lên đến con số là 2,803 tỷ USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2015.

Đây là mức thu hút FDI cao nhất cùng kỳ trong vòng nhiều năm trở lại đây, kể từ năm 2010. Vì sao FDI vào Việt Nam lại tăng cao như vậy?

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài đã chỉ ra 5 lý do chủ yếu.

Một là, với 14,5 tỷ USD vốn FDI thực hiện năm 2015, vốn FDI đổ vào Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% FDI toàn cầu. Như vậy, dư địa để thu hút thêm FDI còn khá lớn.

Hai là, xu hướng mới của FDI vào châu Á đang có sự chuyển dịch từ Trung Quốc (hiện đứng đầu thế giới về thu hút FDI) sang các nước khác, mà Việt Nam được nhiều tập đoàn xuyên quốc gia lựa chọn là phương án số 1.

Ba là, với việc hình thành Cộng đồng ASEAN (AC) trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), không gian kinh tế của nước ta đã được mở rộng ra khu vực.

Bốn là, môi trường đầu tư của Việt Nam từ giữa năm 2014 đến nay đã được cải thiện rõ rệt.

Năm là, nhờ “chất xúc tác” của các hiệp định thương mại tự do mới giữa nước ta với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, tác động tích cực đến FDI từ những nước đó vào Việt Nam.

Theo Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), 49% trong tổng số gần 540 DN Hàn Quốc tham gia khảo sát về môi trường đầu tư tại 32 quốc gia khẳng định có kế hoạch phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Các nhà đầu tư châu Âu cũng kỳ vọng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ không chỉ góp phần tăng nhanh kim ngạch thương mại hai chiều mà dự báo FDI từ các nước thành viên EU vào Việt Nam sẽ gia tăng. Hiện EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 của Việt Nam và là nhà đầu tư lớn thứ 3 trong năm 2015. Các DN EU trong 3 năm qua đang tăng lượng đầu tư một cách nhanh chóng vào Việt Nam.

Trong bài phát biểu tại buổi lễ công bố Sách trắng 2016 vào đầu tháng 3 này, ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam tin tưởng rằng, EVFTA sẽ kích hoạt cho một làn sóng đầu tư chất lượng cao lớn hơn của châu Âu vào Việt Nam và thúc đẩy hội nhập sâu và giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam. Song, đại sứ EU cũng lưu ý điều này phải được hỗ trợ bằng chính khu vực tư nhân của Việt Nam. Theo đó, khu vực này phải tăng cường cung cấp cho các công ty châu Âu tại Việt Nam để họ có thể tìm nguồn tại chỗ thay vì NK linh kiện từ nước ngoài.

Theo khảo sát công bố hồi tháng 2 năm nay của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hơn 60% DN Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh. Đây là tỷ lệ gần như cao nhất trong các quốc gia được khảo sát. Trong đó, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang được các DN Nhật Bản đặt rất nhiều kỳ vọng, đặc biệt là khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành và Hiệp định TPP được ký kết. Riêng đối với Hiệp định TPP, 66% các DN Nhật Bản đặt kỳ vọng cao sẽ giúp thuận lợi hóa thương mại và thuế quan, đứng đầu trong các nước là đối tuợng của khảo sát.

Phải cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa

Tuy lạc quan với việc đầu tư ở Việt Nam nhưng ông Kawada Atsusuke, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội vẫn còn lo ngại về môi trường đầu tư với nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp, không rõ ràng; cơ sở hạ tầng yếu kém... Ông Kawada Atsusuke cho rằng: Dù Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực và có nhiều hành động cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thời gian qua, nhưng đối với các DN Nhật Bản, họ vẫn chưa thấy được kết quả thực sự từ những cải cách đem lại. Điều này như một lời cảnh báo cho Chính phủ Việt Nam khi mà hiệu quả từ việc cải cách đem lại còn rất thấp.

Theo ông Bruno Angelet, để tạo ra thêm giá trị gia tăng, Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề, tăng năng suất lao động và cải thiện việc phân bổ vốn thông qua các quá trình ra quyết định tốt hơn và minh bạch hơn. “Nói cách khác, các hiệp định thương mại tự do sẽ hỗ trợ cải cách và trở thành có hiệu quả hơn đối với người Việt Nam, nhưng các hiệp định sẽ không kích hoạt cải cách. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào Chính phủ Việt Nam và ban lãnh đạo sắp tới trong việc nắm lấy cơ hội và thực thi sứ mệnh lịch sử cho quốc gia” – Đại sứ EU nhấn mạnh.

Dù lạc quan vào triển vọng FDI của Việt Nam, nhưng ông Nguyễn Anh Dương, Phó Ban chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) lưu ý: Thu hút thêm đầu tư nước ngoài cần thêm một sức kéo đủ mạnh từ cải cách môi trường kinh doanh trong nước. Sức kéo ấy có thể đến từ mức độ thông thoáng về chính sách, từ thái độ tích cực trong quan hệ đối tác giữa Nhà nước với tư nhân và giữa tư nhân trong nước với DN FDI, và ưu tiên phát triển ngành phù hợp với sự quan tâm của DN FDI. Với tư duy và hành động đột phá theo hướng này, gia tăng thu hút FDI trong nửa đầu năm 2016 sẽ là nền tảng để thu hút được nhiều dự án chất lượng hơn, phù hợp hơn với ưu tiên của Việt Nam trong nửa cuối năm 2016 và các năm tiếp theo.

Theo Lương Bằng

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên