MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn ngoại “ồ ạt” chảy vào ngành bán lẻ

Trong báo cáo mới cập nhật về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2015, BSC nhận định, xu hướng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục “đổ” vào các ngành chủ đạo như công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản và bán buôn bán lẻ.

Theo đó, báo cáo nhận định, dòng vốn FDI giải ngân trong tháng 6 tăng tích cực, vượt mức tăng cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 6/2015, vốn FDI đăng ký và cấp mới là 1,19 tỷ USD, đưa tổng giá trị đăng ký và cấp mới lên 5,49 tỷ USD kể từ đầu năm, tương đương với 80,2% cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, vốn FDI đăng ký mới là 3,83 tỷ USD tính từ đầu năm 2015, tương đương 79% cùng kỳ 2014; vốn FDI cấp bổ sung là 1,65 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2015, tương đương 83% cùng kỳ năm 2014. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân tổng cộng 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2014.

Vốn FDI năm 2015 theo tháng (Nguồn: GSO, BSC)
Vốn FDI năm 2015 theo tháng (Nguồn: GSO, BSC)

Xu hướng vốn FDI tại các dự án quy mô nhỏ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo như các tháng trước. Tháng 6/2015, Việt Nam chưa có thêm dự án có quy mô lớn nào. Trong khi đó, các dự án quy mô nhỏ gồm cấp mới và tăng vốn vẫn gia tăng. Số lượng dự án cấp mới tăng hơn 15%, số dự án cấp bổ sung vốn tăng hơn 28%.

Cũng theo BSC, vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 6 tháng qua tiếp tục hướng về các ngành mũi nhọn như công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản và bán buôn bán lẻ.

Số liệu trước đó của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho hay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 338 dự án đầu tư đăng ký mới và 190 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,18 tỷ USD, chiếm 76,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 11 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 465,5 triệu USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ sửa chữa với 119 dự án đầu tư mới và 26 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 276,5 triệu USD; chiếm 5% tổng vốn đầu tư.

So sánh với số liệu cùng kỳ năm 2014, rõ ràng có thể thấy, vốn ngoại “chảy vào ngành bán lẻ đang ngày càng tăng lên. Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2014, vốn FDI vào ngành bán lẻ chỉ dừng lại ở con số hết sức khiêm tốn, khoảng 1,4% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam thì trong 6 tháng đầu năm 2015, con số này đã tăng lên 5%.

Vốn FDI rót vào ngành bán lẻ 6 tháng năm 2014 và 2015 (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài)
Vốn FDI rót vào ngành bán lẻ 6 tháng năm 2014 và 2015 (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài)

Có thể nói, nhờ sự phát triển sôi động của thị trường trong thời gian qua, ngành bán lẻ đã vượt ngành xây dựng, trở thành một trong ba những lĩnh vực “hút” vốn ngoại của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên