Vốn ngoại ồ ạt đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Trong 11 tháng năm 2014, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 13,15 tỷ USD (chiếm 76% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm của cả nước).
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 11/2014, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút được 9.407 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký lên tới 138,5 tỷ USD (chiếm 56% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước).
Trong đó quy mô vốn bình quân một dự án của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 14,7 triệu USD; cao hơn quy mô bình quân một dự án FDI của cả nước.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam như là một địa điểm sản xuất hấp dẫn ngày càng được khẳng định khi có tới 80/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt là sự chuyển dịch của “công xưởng thế giới” từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á có chi phí nhân công rẻ đã tạo cơ hội cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam.
Nhật Bản dẫn đầu trong số các quốc gia có vốn FDI rót vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam với 1.282 dự án đạt 30,58 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký (chiếm 22,1% tổng vốn đầu tư đăng ký vào ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo). Tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, British Virgin Islands và các quốc gia khác.
Các dự án FDI trong ngành công nghiệp, chế biến chế tạo được nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại hầu hết 61/63 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó vốn FDI tập trung tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, điển hình là các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là vùng tập trung số lượng các khu công nghiệp lớn nhất cả nước.
Tỉnh Đồng Nai dẫn đầu toàn quốc về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.108 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 17,2 tỷ USD (chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo).
Về hình thức đầu tư, có tới 80% số vốn FDI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Hình thức liên doanh đứng thứ hai với 19% tổng vốn đầu tư, còn lại 1% vốn FDI ở hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, tính riêng 11 tháng năm 2014, cả nước có 1.427 dự án mới được cấp phép đạt 13,4 tỷ USD và 515 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn 3,9 tỷ USD.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 13,15 tỷ USD (chiếm 76% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm của cả nước).
Tiếp theo là ngành kinh doanh bất động sản đạt 1,27 tỷ USD (chiếm 7,4% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm của cả nước), ngành xây dựng đạt 1,02 tỷ USD (chiếm khoảng 6% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm của cả nước); còn lại là các lĩnh vực khác.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 76% vốn FDI tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2014
Một điểm dễ nhận thấy là đa số các dự án lớn nhất được cấp phép trong 11 tháng năm 2014 đều là những dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.
Điển hình là dự án Tổ hợp công nghệ cao Sam Sung Thái Nguyên – giai đoạn 2 nhà đầu tư Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam Thái Nguyên – Hàn Quốc, dự án đầu tư tại KCN Yên Bình I, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư đăng ký 3 tỷ USD, cấp phép ngày 17/11/2014.
Đứng thứ hai là dự án Công ty TNHH điện tử Samsung CE Complex do nhà đầu tư Samsung Asia Pte.Ltd – Singapore đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh, cấp phép ngày 26/9/2014, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD.
Thứ ba là dự án Công ty TNHH SamSung Display Bắc Ninh, cấp phép ngày 1/7/2014, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD. Điều này càng khẳng định ưu thế của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
>>>FDI của Nga tại Việt Nam: Hơn 27% vốn đầu tư vào lĩnh vực dầu khí
Nguyệt Quế