WB tiếp tục hỗ trợ 507 triệu USD cho Việt Nam
Ngày 9/7/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký kết 4 hiệp định tín dụng với tổng trị giá 507 triệu USD nhằm hỗ trợ ưu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm nghèo và phát triển hệ thống xe buýt nhanh.
- 28-06-2015WB tài trợ 45 triệu USD cho ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm tại VN
- 26-06-2015WB sẽ đầu tư 100 triệu USD cho các dự án ở Đà Nẵng
- 03-06-2015Việt Nam là một điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay của WB
Các khoản tín dụng được ký kết dành cho: Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (238 triệu USD); bổ sung vốn cho Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm (45 triệu USD); bổ sung vốn cho Dự án Giảm nghèo khu vực miền núi phía bắc giai đoạn 2 (100 triệu USD); và Dự án Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh (124 triệu USD).
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững giúp chính phủ đổi mới ngành nông nghiệp, nhất là trong sản xuất lúa gạo và cà phê. Dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 140.000 hộ nông dân vùng đồng bằng sông Cửu long qua việc cải thiện phương pháp canh tác, đầu tư vào hạ tầng chế biến và liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp.
“Tăng trưởng nông nghiệp bền vững đòi hỏi phải tái cơ cấu sản xuất và tổ chức chuỗi cung ứng, qua đó cải thiện sinh kế cho các nông dân sản xuất nhỏ và gia đình họ,” ông Chris Jackson, Chuyên gia chính về phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới và là Trưởng nhóm dự án nói.
Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm nhắm tới mục tiêu nâng cao hiệu suất ngành chăn nuôi, giảm tác động môi trường của quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, và nâng cao an toàn trong chuổi cung ứng sản phẩm chăn nuôi. Dự án đã thu được kết quả ban đầu bằng việc áp dụng các phương pháp chăn nuôi mới dẫn đến giảm tỉ lệ chết và giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.
Dự án Giảm nghèo khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2 hỗ trợ công cuộc giảm nghèo tại khu vực nghèo nhất của Việt Nam. Khoản vốn bổ sung sẽ giúp tiếp tục thực hiện và tăng cường các hoạt động giảm nghèo tại 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái; thúc đẩy liên kết thị trường và sáng kiến của doanh nghiệp giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.
Dự án Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng một tuyến xe buýt nhanh dài 23 km với công suất 28,300 hành khách mỗi ngày. Dự án cũng sẽ giúp chính quyền thành phố chuẩn bị một mạng lưới giao thông 6 tuyến xe và tạo cơ sở xây dựng một hệ thống giao thông công cộng đồng bộ trong tương lai.
“Các văn bản được ký kết cho thấy quan hệ đối tác gần gũi giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, và chúng tôi mong sẽ được hợp tác toàn diện hơn nữa trong các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược của Việt nam,” bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.