MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank: “Quan ngại lớn” về đầu tư hạ tầng địa phương ở Việt Nam

Bản báo cáo “Đánh giá khung tài trợ cho cơ sở hạ tầng địa phương ở Việt Nam” được WB công bố ngày 11/3 nhận định tình trạng đầu tư hạ tầng của nước ta “thiếu hiệu quả nghiêm trọng”.

Phân tán, trùng lặp và lãng phí

Theo nhóm nghiên cứu, sự phân tán trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng mang lại sự trùng lặp và lãng phí, và là nguyên nhân sâu xa của tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả của Việt Nam hiện nay.

Thống kê của WB cho thấy, hiện nay Việt Nam có gần 260 khu công nghiệp (KCN) đang được xây dựng hoặc sắp hoàn thành, 18 đặc khu kinh tế, 24 cảng biển sâu, nhiều cảng biển khác dự kiến được xây dựng, và 20 cảng hàng không đang hoạt động cùng một số khác trên kế hoạch. Trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các KCN chỉ ở mức 46%, nhiều đặc khu kinh tế chỉ có tỷ lệ lấp đầy cao hơn một chút, và tỷ lệ sử dụng cảng Cái Mép - Thị Vải chỉ chưa tới 30%.“Những con số này là quá cao so với quy mô của nền kinh tế Việt Nam”.– Bản báo cáo công bố ngày 11/3 nhận định.

Trong cơ cấu hành chính phân quyền cao ở Việt Nam, chính quyền trung ương chịu trách nhiệm đối với các dự án cơ sở hạ tầng cấp nhà nước (như các dự án quốc lộ), trong khi chính quyền địa phương cũng có vai trò lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tác động thực tế của những điểm yếu này cả ở cấp trung ương và địa phương là tình trạng thiếu hiệu quả phân bổ trong lựa chọn dự án và lĩnh vực để đầu tư.

Đánh giá về việc phân bổ dự án đầu tư hạ tầng, bản báo cáo của WB chỉ ra tình trạng phổ biến hiện nay là từng tỉnh lựa chọn và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng riêng cạnh tranh với nhau. Các quyết định đầu tư được thúc đẩy chủ yếu bởi các cân nhắc hành chính và mong muốn xây dựng các dự án có khả năng tạo ra doanh thu, “chỉ có liên kết yếu ớt với các ưu tiên chiến lược của quốc gia” và “cơ chế thị trường cho việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm”.

Báo cáo bày tỏ “quan ngại lớn” khi mà tổng nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện nay tăng cao, trong khi thu ngân sách lại thấp, đẩy mức thiếu hụt ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng lên gấp 5 lần so với cách đây một thập kỷ. (Năm 2012 nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng là 25 tỉ USD, trong khi lượng vốn có sẵn của VN khoảng 16 tỉ USD, thiếu khoảng 9 tỉ đô la Mỹ. Mười năm trước, con số này khoảng 2,1 tỉ USD.)

Năng lực chính quyền địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển

Theo quy định ở VN, các dự án đầu tư công phải dựa trên Kế hoạch Phát triển kinh tế - Xã hội 5 năm, cũng như kế hoạch của ngành và quy hoạch tổng thể về sử dụng đất. Trên thực tế, các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương chủ yếu chỉ mang “tính hình thức”, trong khi vấn đề quan trọng nhất là cần tuân thủ kế hoạch này một cách chính thức.

Cụ thể, quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội các địa phương rất phức tạp và trùng lặp, liên quan đến nhiều cấp chính quyền và gồm nhiều bước. Các kế hoạch chủ yếu được lập nên từ kỳ vọng chứ không phải là dựa vào nguồn lực thực tế hiện có. Những điểm yếu này bao gồm tình trạng chưa có ngân sách/khung tài khóa dài hạn, điều phối kém, và đặc biệt là mức độ minh bạch thấp.

Vấn đề này được củng cố theo cách thức trình bày ngân sách của tỉnh, khi mọi khoản chi đầu tư được gộp lại thành một mục. Điều này cho phép các tỉnh có sự linh hoạt đáng kể về chi tiết, trong khi vẫn chỉ ra những kết quả của tổng số các đầu tư đã được chấp thuận.

Để giải quyết tình trạng phân tán và thiếu hiệu quả này, Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012 của WB trước đó đã từng đề xuất củng cố một số giai đoạn đầu của chu kỳ quản lý đầu tư công, đặc biệt là hướng dẫn và sàng lọc về chiến lược, thẩm định và rà soát dự án, và lựa chọn dự án và lập ngân sách. Những cải thiện mang tính hệ thống trong quá trình lập kế hoạch sẽ có tác động tích cực tới chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho rằng, trên thực tế rất nhiều những giới hạn và điểm yếu mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt lại được coi như cơ hội. Tình trạng thiếu hiệu quả hiện tại trong đầu tư hạ tầng lại là cơ hội cho việc gia tăng hiệu quả - làm được nhiều hơn với cùng một nguồn lực.

Nói cách khác, Việt Nam có khả năng có được nhiều hạ tầng hơn mà không phải tăng mức nguồn vốn sẵn có hiện tại, nếu có thể xác định và thực hiện được hiệu quả đầu tư. Điều này đòi hỏi sử dụng cơ chế thị trường - không chỉ vì cơ chế này giúp tăng hiệu quả, mà còn thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn hơn.


Thanh Uyên

uyenlt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên