MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xăng dầu sẽ chỉ giảm “nhỏ giọt”?

Trái với kỳ vọng của thị trường, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày hôm nay (20/7) có thể sẽ lặp lại kịch bản giảm “nhỏ giọt” do Quỹ bình ổn xăng dầu đang cạn dần.

Nhận định trên được TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, tài chính, giá cả đưa ra khi trao đổi với phóng viên.

Quỹ cạn, khó giảm sâu?

Thông thường, giá xăng dầu tăng hay giảm phụ thuộc phần lớn vào diễn biến giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, TS. Long cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này còn phụ thuộc nhiều vào mức trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu.

Theo đó, có hai kịch bản cho giá xăng dầu được đưa ra trong kỳ điều chỉnh lần này: hoặc là giảm sâu theo đà giảm mạnh của thế giới trong thời gian qua; hoặc là giá xăng dầu chỉ giảm “nhỏ giọt”.

TS. Long cho biết các cơ quan liên quan (PV – Liên Bộ Tài chính – Công Thương) đang bàn thảo và cân nhắc, tính toán về giá xăng dầu. Hiện dư địa của Quỹ bình ổn xăng dầu không còn nhiều, nên trong bối cảnh giá thế giới đang giảm, các nhà điều hành sẽ có xu hướng tăng mức trích lập cho Quỹ.

Điều này đồng nghĩa, giá xăng dầu có thể sẽ được điều chỉnh giảm ở mức thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường. TS. Long cũng nghiên nhiều hơn về phương án này khi cho rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu đang “cạn” dần nên rất khó để tiếp tục “xả” quỹ và giảm giá sâu.

Theo báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tại thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu vào kỳ trước (ngày 4/7), ước tồn quỹ Bình ổn giá tại Petrolimex trước thời điểm điều chỉnh giá là 1.350 tỷ đồng. Mức chi sử dụng Quỹ bình ổn là: xăn khoáng 527 đồng/lít; Xăng E5: 362 đồng/lít.

Trong chu kỳ điều chỉnh 15 ngày qua, giá xăng dầu thế giới đã liên tục giảm mạnh. Trên thị trường thế giới, giá dầu mỏ liên tục giảm trong 1 tháng trở lại đây khi giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) ngày 17/6 ở mức 59,9 USD/thùng.

DN xăng dầu đang ăn đậm?

Song đến thời điểm ngày 17/7, giá dầu đã giảm 9 USD/thùng, chỉ còn 50,87 USD/thùng. Tương tự, dầu Brent cũng giảm từ 63,8 USD/thùng xuống còn 57,06 USD/thùng.

Giá bán buôn Platt bình quân của khu vực cũng đã giảm. Trong đó, giá xăng bán buôn giảm 2,24-2,72% kể từ lần điều chỉnh giá bán lẻ vào ngày 4/7; còn giá bán buôn dầu DO đã giảm 7,67-7,55%. Hiện, các đơn vị đầu mối trong nước đã lãi trên 500 đồng/lít với xăng và trên 700 đồng/lít với dầu.

Theo thông tin của một số đơn vị trong ngành, chu kỳ điều chỉnh 15 ngày đang có nhiều bất cập, tạo kẽ hở cho DN “làm lợi” từ chu kỳ điều hành này. Một vị lãnh đạo DN (dấu tên) cho biết nhiều DN kinh doanh xăng dầu lợi dụng cơ chế điều chỉnh này để đầu cơ, găm giữ hàng, đặc biệt trong những lần điều chỉnh tăng giá để hưởng lợi.

Trong điều kiện phải nhập khẩu tới 70% xăng dầu cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, TS. Long cho rằng việc DN phải “đón đầu” xu hướng giá là cần thiết để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp. Đặc biệt khi chu kỳ giá xăng dầu có xu hướng tăng, việc DN đẩy mạnh nhập khẩu, gom hàng hay thậm chí là găm hàng để tận dụng cơ hội tăng giá là chuyện hiển nhiên.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay lượng xăng dầu nhập khẩu đã tăng vọt lên 23%. Đáng chú ý là giá trị nhập khẩu xăng dầu lại giảm tới gần 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chắc chắn, mức tiêu thụ phải tăng và giá đang có lợi nên DN xăng dầu mới nhập về nhiều.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 7 lần điều chỉnh với 3 lần giảm và 4 lần tăng liên tiếp. Hiện, giá xăng dầu trong nước đang ở mức trên 20.000 đồng/lít, là mức tăng khá cao so với kỳ vọng, khi thị trường thế giới vẫn đang trong chu kỳ giảm, các DN xăng dầu đang “ăn đậm” với giá xăng dầu hiện hành.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên