MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

XK sang Nhật: Nhóm hàng thủy sản nào sẽ hưởng lợi nhiều hơn nếu TPP được thông qua?

Như vậy, nếu TPP được thông qua, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ tôm; xuất khẩu mực và bạch tuộc; cá ngừ sẽ được lợi nhiều nhất.

Mới đây, các chuyên gia của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản – Vasep nhận định rằng: Hiệp Định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo ra rất nhiều lợi thế để các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản vì TPP sẽ giúp giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam vào Nhật Bản; và TPP sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu để chế biến. Vậy, nhóm hàng thủy sản nào sẽ được lợi?

Năm 2013, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 6,7 tỷ USD, tăng 9%, trong đó giá trị xuất khẩu sang thị trường Nhật đạt 1,15 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2012. Xét về cơ cấu nhóm hàng:

Một, tôm là mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Nhật đạt gần 708,8 triệu USD, chiếm 22,26% tổng giá trị xuất toàn ngành Tôm, tăng trưởng đế 14,7% so với năm 2012. Trong đó, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất (đạt gần 294 triệu USD), tiêu thụ tôm chân trắng đạt gần 323 triệu USD.  

Hai, mực và bạch tuộc: Đây là mặt hàng có giá trị xuất khẩu sang Nhật lớn thứ 2 sau tôm. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này sang Nhật đạt 122,2 triệu USD, giảm 15,1% so với năm 2012.

Ba, cá ngừ: Sau tôm, mực và bạch tuộc, cá ngừ có giá trị xuất khẩu tương đối lớn tại Nhật, đạt gần 43 triệu USD, giảm 22% so với năm trước.

Theo FTA được ký kết giữa Việt Nam và Nhật Bản, các mặt hàng tôm  đang chịu thuế suất nhập khẩu 1%-2%, các mặt hàng chế biến từ tôm 3,2%-5,3%; mặt hàng mực đông lạnh được giảm xuống còn 3,5% trong vòng 5 năm từ ngày FTA có hiệu lực. Vasep cho biết, thuế nhập khẩu đối với cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản là khoảng từ 6,4-7,2%.

Như vậy, nếu TPP được thông qua, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ tôm; xuất khẩu mực và bạch tuộc; cá ngừ sẽ được lợi nhiều nhất; qua đó kỳ vọng TPP sẽ thúc đẩy các nhóm ngành này phát triển hơn.

Về nhập khẩu, năm 2013, giá trị xuất khẩu thủy sản sang Nhật đạt hơn 57 triệu USD. Theo Vasep, thuế nhập khẩu hiện đang được áp dụng 15% đối với cá sống và 30% đối với thủy sản chế biến. Do đó, khi TPP có hiệu lực, sẽ giúp các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam chịu thuế nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến và tái xuất khẩu thấp hơn.

Vòng đàm phán mới nhất giữa 12 quốc gia đồng ý tham gia TPP vừa kết thúc tại Singapore mà không đem lại kết quả cụ thể nào cả, ngoại trừ đại diện thương mại Mỹ Michael Froman cho rằng vòng đàm phán “đạt được tiến bộ đáng kể trong việc hướng tới hoàn thiện thỏa thuận TPP”.

Các chuyên gia, đại diện phòng thương mại các nước tại Việt Nam đều cho rằng Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Tuy nhiên, “hương vị” mà TPP mang lại cho nền kinh tế trong nước có “ngọt” hay không chắc chắn phải chờ thời gian.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên