Xóa “thiên đường” lợi ích nhóm
Muốn đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần thực hiện “nội công - ngoại kích” nhằm xóa “thiên đường” cho lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân
- 11-07-2014Cổ phần hóa vấp lợi ích nhóm
- 12-06-2014Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời chất vấn về lợi ích nhóm
- 31-03-2014Đường sắt Việt Nam: Độc quyền vì lợi ích nhóm?
- 29-01-2014Một năm "nhạy cảm" chuyện lợi ích nhóm trong tái cơ cấu
Theo lộ trình đã được phê duyệt, trong 2 năm 2014-2015, cả nước phải cổ phần hóa (CPH) 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhưng đến nay, tiến độ thực hiện vẫn chậm.
Mới hoàn thành 23% kế hoạch
Mục tiêu về CPH DNNN giai đoạn 2011-2015 theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phải tiến hành CPH 561 DN. Trong 3 năm 2011-2013 mới chỉ có 129 DN hoàn thành CPH, tức mới hoàn thành 23% kế hoạch trong khi đã hết 60% quỹ thời gian.
Trong số 432 DN nằm trong kế hoạch CPH từ nay đến năm 2015 vẫn còn 135 DN chưa thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) CPH, 138 DN đã thành lập BCĐ CPH nhưng chưa thực sự triển khai CPH, cụ thể là chưa tiến hành xác định giá trị DN và các bước tiếp theo.
Theo PGS-TS Lê Xuân Đình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chậm tiến độ CPH cho thấy rõ ràng công tác chỉ đạo đang có vấn đề, chưa thật sự quyết liệt, chưa vào cuộc. Nguyên nhân quan trọng nằm trong chính giới chức quản lý DNNN muốn níu kéo lợi ích nhóm.
Đây chính là lực cản lớn đối với quá trình CPH bởi một lý do đơn giản là cải cách làm cho lợi ích của một số nhóm nhỏ có quyền lực, đang có khả năng thao túng chính sách bị xâm hại.
Chẳng hạn, năng lực điều hành, quản trị trong các công ty cổ phần thể hiện khá rõ trong kết quả kinh doanh, được HĐQT, đại hội cổ đông xem xét, thừa nhận. Quản trị trong DN CPH phải công khai, minh bạch, dân chủ là một yêu cầu khó hơn đối với những người lãnh đạo quen lối làm việc cũ mang trách nhiệm tập thể và thiếu công khai, minh bạch.
Cần thực hiện “nội công - ngoại kích”
Muốn đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN, ông Lê Xuân Đình cho rằng cần thực hiện “nội công - ngoại kích” nhằm xóa “thiên đường” cho lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân.
Chẳng hạn, theo báo cáo tình hình thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao độngvà viên chức quản lý trong các DN 100% vốn nhà nước tại thời điểm năm 2012, tiền lương bình quân người lao động trong DNNN là 5,56 triệu đồng/người/tháng, cao hơn nhiều so với mức lương của DN FDI là 4,63 triệu đồng, DN dân doanh là 3,79 triệu đồng và bình quân chung của cả nền kinh tế là 4,18 triệu đồng.
Đó là tính thu nhập bình quân lao động, nếu tính riêng những cán bộ lãnh đạo DNNN, chắc chắn sẽ thấy những khoản thu nhập rất lớn từ lương và lậu. Bên cạnh đó, mặc dù là khu vực DN có hiệu quả thấp nhưng DNNN lại được ưu đãi nhiều về vốn.
Muốn đẩy nhanh tiến trình CPH DNNN, trước hết phải sắp đặt lại trật tự theo đúng quy luật của kinh tế về dòng chảy của vốn, phân phối - lưu thông. Và như vậy, khắc phục tình trạng đặc quyền, đặc lợi, ưu ái không hợp lý đối với khu vực DNNN để tạo môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh bình đẳng đối với mọi loại hình DN trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó cần có giải pháp xóa bỏ tình trạng bộ chủ quản, ngành chủ quản, phân định rõ vai trò quản lý, điều hành nền kinh tế của nhà nước là “kiến tạo phát triển”, tạo luật chơi… với vai trò quản lý sản xuất - kinh doanh của các chủ thể tham gia thị trường.
>>>Nhận diện về " Lợi ích nhóm"
Theo Hà Linh