MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh: Vừa mừng, vừa lo!

Cho dù còn nhiều rào cản khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ còn khó khăn, nhưng tổng thể Mỹ vẫn là một thị trường lớn và tiềm năng với hàng hóa Việt Nam. Bằng chứng là chỉ chỉ trong 7 tháng đầu năm nay Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ tới 14,5 tỷ USD

 

Thực tế, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: Dệt may, thủy sản, giầy dép…thị trường Mỹ có nhu cầu khá lớn. Một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ là dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, túi xách, vali, mũ… trong đó, hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Năm 2014 Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ đạt 9,82 tỷ USD, giày dép đạt 3,33 tỷ USD, đồ gỗ đạt 2,23 tỷ USD, thủy sản đạt 1,71 tỷ USD, túi xách, va li, mũ đạt 1,54 tỷ USD, hạt điều 635,94 triệu USD, hạt tiêu đạt 254,92 triệu USD…

Hàng Việt Nam vào Mỹ ngày một nhiều

Từ đầu năm tới nay, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tiếp tục xuất khẩu mạnh sang Mỹ, đơn cử mặt hàng dệt may được xem là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất với trị giá gần 6,3 tỉ USD, chiếm 33,4% tổng giá trị xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài dệt may, còn có 4 mặt hàng khác vào Mỹ đạt giá trị từ 1 tỉ USD trở lên gồm: giày dép các loại gần 2,36 tỉ USD, điện thoại các loại và linh kiện gần 1,53 tỉ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện hơn 1,5 tỉ USD, gỗ và sản phẩm gỗ gần 1,45 tỉ USD…

Bên cạnh dệt may, da giầy… thủy sản và các sản phẩm cá ba sa được xem là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam ở thị trường Mỹ. Đơn cử như mặt hàng bạch tuộc và mực, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ đạt giá trị 2,566 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu vào quốc gia này đang chiếm 1,2% tổng giá trị xuất khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ vừa mừng nhưng lại vừa lo.

Mừng vì một khi hàng hóa của Việt Nam đã xâm nhập được vào thị trường Hoa Kỳ – một thị trường rất nhiều luật lệ quy định về kỹ thuật và chất lượng thì hàng hóa Việt Nam sẽ có cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn nhiều để xâm nhập vào các thị trường khó tính khác trên thế giới.

Lo là thặng dư thương mại lớn với thị trường Hoa Kỳ chủ yếu là từ kim ngạch xuất khẩu hầu hết là hàng gia công.

Điều đáng nói là những mặt hàng xuất siêu sang Hoa Kỳ hiện nay thuộc về nhóm Dệt may, da giầy… ngoài việc tạo ra được công ăn việc làm thì đây lại chủ yếu là các mặt hàng gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, đó là chưa kể các mặt hàng này phần lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI.

Mặt khác, xét về cán cân thương mại thì việc nhập khẩu thiết bị máy móc, công nghệ nguồn của VN từ thị trường Hoa Kỳ lại quá hạn chế, do vậy cần phải được đẩy mạnh hơn, tích cực hơn trong những năm tới. Đây là hướng đi rất quan trọng của bất kỳ quốc gia nào khi thâm nhập thị trường Hoa Kỳ.

Vượt qua “hàng rào”

Cũng theo các chuyên gia, xuất khẩu vào Mỹ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chính bản thân các doanh nghiệp, đó là năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam còn khá yếu, cạnh tranh xuất khẩu với các nước khác ở thị trường Hoa Kỳ khá chật vật, cước phí cao và thời gian vận chuyển lâu, hệ thống pháp luật thương mại, hàng rào kỹ thuật và an toàn thực phẩm cao…

Hiện nay, các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đang phải “gồng mình” cạnh tranh với các nươc, chẳng hạn hiện nay mặt hàng tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang phải cạnh tranh trực tiếp với tôm Ấn Độ. Tôm Ấn Độ có nguồn dồi dào, vì vậy giá thành con tôm của Ấn Độ khá cạnh tranh với tôm Việt Nam. Đặc biệt là con tôm chân trắng đang được thị trường Mỹ rất ưu chuộng trong khi đây lại là thế mạnh của Ấn Độ, giá lại thấp.

Hay như mặt hàng dệt may Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc, Thái Lan… điều này đòi hỏi cho các nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam phải nâng cao tính canh tranh cả về chất lượng, giá cả… để có thể trụ được ở thị trường này.

Thặng dư thương mại lớn với thị trường Hoa Kỳ chủ yếu là từ kim ngạch xuất khẩu hầu hết là hàng gia công.

Không chỉ cạnh tranh với các đối thủ mà các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam còn “đụng” phải những hàng rào kỹ thuật và những luật lệ vô cùng khắt khe. Chẳng hạn với mặt hàng thủy sản các tiêu chuẩn nhập khẩu vào Mỹ thường tập trung vào các quy định về an toàn thực phẩm với quy định này được đưa ra để bảo vệ sức khỏe của người, vật nuôi và cây trồng.

Còn với các mặt hàng tiêu dùng Luật pháp Mỹ yêu cầu quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm bao gồm nhãn mác, đóng gói, thuốc trừ sâu, hàm lượng dinh dưỡng và tạp chất. Để tránh gian lận thương mại, thị trường Hoa Kỳ luôn yêu cầu nhà xuất khẩu phải cung cấp các giấy tờ như: chứng từ vận chuyển và tài chính, các tiêu chuẩn nhận dạng và các tiêu chuẩn đo lường…

Các Luật của Mỹ cũng khá khắt khe và nếu các doanh nghiệp xuất khẩu không tìm hiểu hoặc thuê các Cty Luật tư vẫn rất dễ vi phạm.

Đơn cử như mặt hàng thủy sản không phải doanh nghiệp nào muốn đưa hàng vào là có thể được, bởi muốn đưa được con tôm hay con cá vào thị trường này bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ theo 2 bước, cụ thể doanh nghiệp phải trực tiếp hoặc có thể thông qua nhà nhập khẩu gửi các chương trình kiểm soát về chế biến thực phẩm để cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xem xét và cấp phép.

Tiếp đó, doanh nghiệp sẽ được công nhận ở cấp quốc gia thông qua ký kết văn bản ghi nhớ giữa FDA và cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát vệ sinh an toàn ở nước xuất khẩu…Chỉ khi có đầy đủ các giấy tờ chứng nhận trên doanh nghiệp mới có thể đưa hàng vào thị trường này.

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán TPP với các quốc gia trong đó có Hoa Kỳ, nếu TPP được ký kết sẽ là cơ hội rất lớn để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, nhất là mặt hàng dệt may sẽ có cơ hội xuất khẩu rất lớn sang Hoa Kỳ.

Theo tính toán, khả năng tăng trưởng xuất khẩu của riêng mặt hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng lên mức 15%/năm, gần gấp đôi so với mức 7-8%/năm hiện tại. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng ngành dệt may Việt Nam sẽ cần phải điều chỉnh gấp rút nguồn nguyên phụ liệu dệt may bởi TPP có nhiều yêu cầu rất chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trong khi hiện dệt may Việt Nam đang chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ các nước ngoài TPP, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo Quốc Anh

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên