Xuất khẩu sốt ruột chờ Việt Nam thành nền kinh tế thị trường
Tranh thủ cơ hội đàm phán những hiệp định thương mại tự do (FTA) để các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Đó là giải pháp né được kiện phá giá, mở đường cho việc giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường.
Tại đại hội toàn thể hội viên bất thường ngày 12-6, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết để xuất khẩu giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì chuyển hướng khai thác những thị trường tiềm năng khác là giải pháp tốt. Song nếu không giảm hoặc tìm cách xóa bỏ các loại thuế “bảo hộ” tạo rào cản như chống bán phá giá, chống trợ cấp và các hàng rào kỹ thuật khác thì xuất khẩu Việt Nam sẽ lâm vào cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” và doanh nghiệp (DN) càng khó khăn hơn.
DN chật vật vì bị kiện chống bán phá giá
Ông Hòe cho biết các hiệp định FTA như Việt Nam-EU, Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ASEAN+… sẽ mở ra những cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ có được nhiều lợi ích hơn từ việc cắt giảm các dòng thuế theo FTA và có thể nâng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, EU lên đến 30%-40%. Tuy nhiên, từ góc độ của các DN, ông Hòe cho rằng thuế và chi phí từ các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp chính là những khó khăn đeo bám DN. Và nếu DN không đáp ứng được thì nguy cơ bị loại ra khỏi cuộc chơi là hoàn toàn có thể.
Thị trường xuất khẩu hải sản, dệt may… sẽ mở rộng hơn khi gia nhập được FTA. Trong ảnh:Chế biến tôm xuất khẩu tại Cà Mau. Ảnh: CTV
Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, cho biết nhiều năm qua con tôm, con cá tra của nước ta không năm nào không phải chịu thuế chống bán phá giá và cả chống trợ cấp rất vô lý. Việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tính toán thuế cho các DN tôm Việt Nam trong kết quả sơ bộ giai đoạn rà soát lần thứ tám (POR8) cao mức kỷ lục và DN nước ta phải đóng một khoản thuế rất lớn. Ngoài ra, chính những rào cản này đã khiến một số DN thủy sản chuyển về xuất khẩu những thị trường dễ dãi về chất lượng lẫn không có chuyện áp các loại thuế rào cản như Trung Quốc khiến thương lái Trung Quốc thu mua ào ạt trên biển, tại bãi giành hết nguồn nguyên liệu.
Ông Võ Hùng Dũng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI - Cần Thơ), cho hay ngoài mặt hàng xuất khẩu thủy sản, trong quá khứ đã có nhiều mặt hàng khác bị đánh thuế chống phá giá như dệt may vào EU và hiện tại như mắc áo thép, thép cán nguội… Không chỉ những thị trường lớn mà các thị trường lân cận trong khu vực như Indonesia, Malaysia cũng đang tạo áp lực về thuế chống phá giá với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Vì thế DN các ngành xuất khẩu cần kiến nghị “làm nóng” bàn đàm phán các hiệp định FTA đang diễn ra, nếu không khi đặt bút ký là chuyện đã rồi.
Muốn thoát kiện: Phải được công nhận kinh tế thị trường
Ông Võ Hùng Dũng cho rằng để đối diện tình trạng kiện cáo, các cơ quan hữu quan và hiệp hội ngành hàng cần hỗ trợ chi phí cho DN và lập ra đội ngũ kỹ thuật chuyên trách ứng phó với các vụ kiện. Các DN cần chủ động tiên đoán khả năng bị kiện bằng cách đánh giá mặt hàng mình sản xuất có tác động đến ngành hàng sản xuất của quốc gia nhập khẩu hay không. Bên cạnh đó, cần sớm chuyển từ cạnh tranh bằng giá cả sang cạnh tranh bằng chất lượng nhằm tránh khả năng bị kiện.
Tuy nhiên, theo ông Dũng yếu tố then chốt là “phòng ngừa hơn chữa trị”. Chính phủ Việt Nam cần tranh thủ cơ hội đàm phán những hiệp định FTA để buộc các nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để né các vụ kiện. Vì theo các quy định hiện hành về chống bán phá giá, chống trợ cấp trong pháp luật Mỹ, trong một vụ kiện chống bán phá giá liên quan tới các nhà xuất khẩu từ nước có nền kinh tế thị trường, giá hàng nhập khẩu sẽ được so sánh với giá của các sản phẩm tương tự trên thị trường nội địa. Trong khi hiện nay Việt Nam vẫn chưa được Mỹ coi là nền kinh tế thị trường, phương pháp kiểm tra chống bán phá giá lại được so sánh với nước thứ ba không hề có điểm tương đồng với nước ta dẫn đến việc bị áp thuế phá giá rất cao.
Muốn thuyết phục được các nước công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường thì quá trình đàm phán và đổi mới hoạt động sản xuất phải “ăn khớp”. Phó Chủ tịch VASEP - bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho rằng các hiệp định FTA được đàm phán ở tầng vĩ mô nhưng những nhà đàm phán chưa biết tầng vi mô là các DN và người sản xuất đang bị gặp khó vấn đề gì, đã chuẩn bị được gì? Bởi vậy các cơ quan ban ngành phải phổ biến cụ thể nội dung các hiệp định FTA để họ có tư thế chủ động sẵn sàng hội nhập và tăng sức cạnh tranh. Các vị đại diện đàm phán FTA phải biết lắng nghe tiếng nói của DN của từng ngành để hiểu rõ những khó khăn và có kiến nghị giải pháp hợp lý.
Theo QUANG HUY