Xuất khẩu tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn hơn nhiều nước
Chúng ta tăng được về lượng trong bối cảnh thị trường thu hẹp, các nước đều tiết giảm nhu cầu do suy thoái kinh tế, đó đâu phải việc dễ.
Dù xuất khẩu tăng trưởng âm nhưng Việt Nam vẫn khá hơn nhiều nước, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bày tỏ, bên lề hội nghị giao ban của Bộ hôm 4/10.
Thưa ông, ông có nhận định gì trước tình hình xuất khẩu cả nước lần đầu tiên sẽ bị âm?
Xuất khẩu tuy giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tính kỹ, chúng ta phải phân tích rõ sự sụt giảm ấy.
Thực tế là, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của ta đều tăng về lượng như gạo tăng 34%, dầu thô tăng 10%, than đá cũng tăng 2%. Một số nông sản khác như hạt tiêu, cao su, chè đều tăng.
Chúng ta tăng được về lượng trong bối cảnh thị trường thu hẹp, các nước đều tiết giảm nhu cầu do suy thoái kinh tế, đó đâu phải việc dễ.
Chỉ có điều, chúng ta không gặp may vì giá của thị trường thế giới không ổn định, xuống rất nhiều so với cùng kỳ năm 2008, thậm chí có mặt hàng giảm giá tới 50%. Lượng tăng nhưng không đủ bù cho sự sụt giảm về giá.
Còn nếu so với các quốc gia khác, tỷ lệ suy giảm xuất khẩu của ta là mức thấp. Nhiều nước, mức giảm xuất khẩu bình quân khoảng 20-30%. Còn ta, chỉ giảm 14,3%.
Trong khi đó, nhập khẩu đã rút ngắn tốc độ giảm. Chúng ta đang nhập siêu càng ngày càng lớn. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Chỉ số nhập siêu của ta rất đáng lưu ý. Cùng kỳ năm 2008, con số nhập siêu khoảng 12 tỷ USD, tỷ lệ gần 30% so với kim ngạch xuất khẩu. Còn năm nay, 9 tháng nhập siêu 6,5 tỷ USD, tỷ lệ chưa đến 16% so với kim ngạch xuất khẩu. Tôi cho rằng, đó là nỗ lực lớn trong việc kiểm soát nhập khẩu.
Như vậy, so với năm ngoái, chúng ta đã giảm nhập siêu đi nhiều. Điều đó sẽ góp phần giúp ta đỡ khó khăn hơn trong cân đối cán cân thương mại. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có chỉ đạo mạnh mẽ làm sao để khống chế mức nhập siêu ở 10-11 tỷ USD trong năm nay, không vượt tỷ lệ 20% kim ngạch xuất khẩu.
Nhìn chung, tình hình nhập siêu nằm trong tầm kiểm soát.
Thưa ông, liệu 3 tháng cuối năm, chúng ta có thể có thêm giải pháp gì để cải thiện tình hình xuất khẩu?
Xuất khẩu là hoạt động rất khó khăn của ngành công thương trong năm nay. Tôi giả định rằng, nếu đơn giá xuất khẩu năm nay giữ được bằng, hoặc không biến động nhiều so với năm 2008 thì 9 tháng qua, chúng ta đã có thể tăng xuất khẩu tới 1-2%. Cả năm, có thể tăng 3%. Vì xét cho cùng, khối lượng xuất khẩu của ta không hề giảm.
Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm 2009 không nhiều. Một số biện pháp tăng trưởng xuất khẩu vẫn đang thực hiện. Ba tháng cuối năm, nếu có áp dụng thêm biện pháp mới, thì hiệu quả cũng hạn chế vì thời gian ngắn.
Tôi cho rằng, có nhiều giải pháp chắc là sẽ phải làm trong năm nay nhưng sẽ phát huy vào năm 2010. Khi đó, chúng ta đã phải đạt mục tiêu về phục hồi kinh tế. Trong đó, có những giải pháp riêng về xuất khẩu thì nó sẽ đạt kết quả tốt hơn năm 2009.
Từ 1/10 năm nay, Hiệp định đối tác Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực. Xin ông cho biết, khả năng chúng ta có thể thu được kết quả thế nào khi triển khai thực thi hiệp định này?
Tôi vừa sang Nhật để tham gia cuộc họp Uỷ ban hỗn hợp thực thi hiệp định. Kết quả dự báo của cả 2 nước về tác dụng của hiệp định là rất đáng phấn khởi. Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật cũng như những mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam sẽ mang tính bổ trợ cho nhau, chứ không triệt tiêu nhau.
Đặc biệt, đối với Việt Nam, những mặt hàng lâu nay gặp khó khăn khi thâm nhập vào thị trường Nhật Bản như dệt may, nông sản, thực phẩm, rau quả thì theo hiệp định này, sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi, các cơ chế, thủ tục sẽ thuận lợi.
Nhật Bản cũng cho biết, nước này đã ký hiệp định tương tự với 17 nước. Tổng kết lại, kim ngạch xuất khẩu 2 chiều của 2 nước sau khi thực thi hiệp định thường sẽ tăng khoảng 1,5%-2%.
Tuy nhiên, trong ba tháng tới, chuyển biến thương mại giữa nước ta và nước Nhật dưới tác động của hiệp định này sẽ chưa thể rõ nét ngay mà phải chờ từ năm 2010 trở đi.
Bộ Công thương đang chủ trì về xúc tiến thương mại nội địa, ông đánh giá gì về cuộc chiếm lĩnh lòng tin người tiêu dùng Việt Nam?
Thực chất, gói xúc tiến 51 tỷ đồng cho thương mại nội địa là chúng tôi tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường nội địa, đặc biệt vùng sâu, xa, nhất là vận động nhân dân, quảng bá sản phẩm Việt Nam.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nhà sản xuất phải đáp ứng được lòng tin của người tiêu dùng. Chúng ta vận động người dân dùng hàng nội mà người sản xuất không đáp ứng về chất lượng, giá cả thì cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt sẽ khó thành công.
Dư địa để hàng Việt Nam có thể chinh phục người tiêu dùng Việt Nam rất lớn. Ví dụ như trong điều kiện khó khăn về sản xuất, thu nhập, mức sống do suy giảm kinh tế, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hoá 9 tháng qua vẫn tăng 18% là cao, chứng tỏ, thị trường nội địa tiềm năng phát triển tốt.
Theo Phạm Huyền
VietNamNet