Xuất khẩu vào thị trường ASEAN tăng trưởng mạnh
Tổng giá trị kim ngạch thương mại Việt Nam – ASEAN đã tăng gấp 4,5 lần trong vòng 11 năm.
Đó là chia sẻ của bà Phạm Thị Hồng Thanh, Vụ phó Vụ Châu Á – TBD, Bộ Công Thương tại diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam diễn ra vào ngày 17/4.
Bà Thanh nhận định, kể từ năm 2003, thời điểm các nhà Lãnh đạo ASEAN tuyên bố thiết lập Cộng đồng ASEAN (vào năm 2015), quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam với các nước ASEAN phát triển mạnh, tổng giá trị kim ngạch thương mại đã tăng gấp 4,5 lần trong vòng 11 năm (từ 8,9 tỷ USD vào năm 2003 lên 40 tỷ USD vào năm 2013).
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các đối tác trong khu vực ASEAN giai đoạn 2003 - 2013 tăng trưởng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 17,7%.
Tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt 32,8% vào năm 2004 và tăng trưởng âm 15% duy nhất vào năm 2009 do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ cuối năm 2008 đến 2010.
Tuy nhiên mức tăng trưởng còn chưa ổn định qua các năm (2010 và 2011 tăng tương ứng 19,1% và 28,7% trong khi đó các năm 2012 và 2013 tăng trưởng thấp 10,4% và 4,6%).
5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam lần lượt là: Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Indonesia
Theo số liệu của Bộ Công thương, xu hướng tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN trong giai đoạn 2003-2013 tương đối giống với xu hướng tăng trưởng kim ngạch thương mại Việt Nam-ASEAN.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN tăng mạnh do trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng tăng cao như: máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện, tăng 844 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện, tăng 750 triệu USD; cao su tăng 339 triệu USD, sắt thép các loại tăng 243 triệu USD, cà phê tăng 224 triệu USD.
Chỉ tính riêng 5 nhóm hàng này đã đóng góp gần 2,4 tỷ USD, chiếm tới 81% trong tổng số tăng thêm của kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN năm 2012.
Năm 2013, về hàng hoá xuất khẩu sang ASEAN: mặc dù hai nhóm hàng điện thoại, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch 4,42 tỷ USD và tăng khá ấn tượng 47,2% (tương ứng tăng 1,42 tỷ USD) nhưng Việt Nam lại đang mất dần thị trường truyền thống này đối với một số loại hàng hoá như gạo (giảm 51,3%), dầu thô (giảm 14,4%)…
Đối với các nhóm hàng xuất khẩu, bên cạnh việc tiếp tục khai thác lợi thế của các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như hàng may mặc, các sản phẩm từ nông thủy hải sản (gạo, điều, cà phê, ca cao, hàng thủy sản…), kim ngạch của các mặt hàng công nghiệp cũng như mặt hàng có công nghệ cao đang tăng đáng kể.
Bước sang năm 2013, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng truyền thống có thể kể đến như hàng dệt may đạt 330 triệu USD (tăng 23%), hàng thủy sản đạt 313 triệu USD (tăng 12,6%), gỗ và sản phẩm của gỗ đạt 73 triệu USD (tăng 34%).
Các mặt hàng công nghiệp tăng cao như máy móc thiết bị và phụ tùng khác đạt giá trị xuất khẩu 801 triệu USD, tăng 9%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,5 tỷ USD tăng 30%, điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,1 triệu USD, tăng 76%.
Hồng Anh