Yêu cầu sử dụng tư vấn độc lập cho sân bay Long Thành
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ sử dụng tư vấn độc lập lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án...
- 09-06-2015Đồng Nai đang tính toán gì cho sân bay Long Thành?
- 06-06-2015Doanh nghiệp ngoại "ngóng" sân bay Long Thành
- 05-06-2015“Vị trí trời cho” của sân bay Long Thành
Trước khi Quốc hội bấm nút quyết định số phận dự án sân bay Long Thành vào sáng 25/6, ngày 24/6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu về chủ trương đầu tư dự án này.
Tại đây, nhiều băn khoăn của các vị đại diện cho dân đã dần có câu trả lời.
Vẫn đề nghị thu hồi một lần 5.000 ha đất
Ở phiên thảo luận tại hội trường vừa qua, nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thu hồi một lần 5.000 ha đất cho toàn bộ dự án.
Nhưng cũng có ý kiến đề nghị chỉ thu hồi diện tích trực tiếp xây dựng dự án là 2.750 ha như đề xuất của Chính phủ, còn đất quy hoạch dành cho quốc phòng và cho công nghiệp dịch vụ được quản lý theo quy hoạch, sẽ thu hồi khi có yêu cầu đầu tư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc thu hồi đất theo quy hoạch là cần thiết để thực hiện đồng bộ cho toàn bộ dự án. Ngoài nhu cầu đất trực tiếp sử dụng cho dự án, nhu cầu đất dành cho quốc phòng, đất dành cho xây dựng ga hàng hóa, khu bảo trì tàu bay, trung tâm điều hành của hãng hàng không… cũng cần thiết và cần được thu hồi một lần để hạn chế việc tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho những lần thu hồi sau.
Việc thu hồi đất của toàn bộ dự án một lần là bảo đảm quyền và lợi ích của người dân sống trong vùng dự án sớm ổn định cuộc sống, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, báo cáo nêu rõ.
Mặt khác, xét về tổng mức đầu tư, việc thu hồi 5.000 ha đất sẽ làm tăng khoảng 4.620 tỷ đồng nhưng về lâu dài sẽ đem lại lợi ích tốt hơn về quản lý quy hoạch tổng thể, đồng bộ, tiết kiệm chi phí đầu tư của ngân sách nhà nước và của xã hội, cơ quan lập báo cáo lý giải.
114.450 tỷ đồng cho giai đoạn một
Làm rõ hơn tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, cơ cấu vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư, cần có giải pháp bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, hạn chế để nhà tài trợ vốn ODA lập dự toán vì có thể làm tăng giá thành cũng là đề nghị của đại biểu qua các phiên thảo luận.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tính toán, trường hợp thu hồi đất 1 lần 5.000 ha thì tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD, tăng khoảng 4.620 tỷ đồng so với phương án thu hồi 2.750 ha).
Cơ cấu vốn đầu tư của giai đoạn này gồm vốn ngân sách nhà nước 16.732 tỷ đồng (chiếm 14,62%), vốn ODA 29.150 tỷ đồng (chiếm 25,47%), vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước 68.567 tỷ đồng (59,91%).
Để bảo đảm tính chính xác và khách quan đối với số liệu dự toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ sử dụng tư vấn độc lập lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, báo cáo nêu rõ.
Làm rõ hiệu quả kinh tế xã hội
Trong các phiên thảo luận, dù Chính phủ luôn khẳng định hiệu quả kinh tế của dự án là khá cao, song vẫn có ý kiến đề nghị cần làm rõ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá tác động của việc thực hiện dự án đối với vấn đề nợ công, an ninh tài chính quốc gia.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để đánh giá tính khả thi về mặt kinh tế của dự án trên quan điểm nền kinh tế quốc gia, tổ chức tư vấn đã thực hiện đánh giá kinh tế dựa trên các chi phí và lợi ích kinh tế của dự án.
Và tính toán ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và tính toán của Hội đồng thẩm định Nhà nước thì dự án đạt các chỉ số khả thi.
Tuy nhiên, số liệu về hiệu quả kinh tế của dự án sẽ được xác định chính xác khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, việc đầu tư dự án còn mang lại các lợi ích kinh tế - xã hội quan trọng như: góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước, góp phần nâng cao trình độ khoa học - công nghệ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm.
Về tác động của dự án đối với nợ công, với các kịch bản được tính toán, mức độ tác động đến nợ công tối đa 0,28% GDP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết.