MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vi phạm bầu cử tại Kiên Giang có thể bị xử lý hình sự

10-06-2016 - 08:47 AM | Xã hội

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, ai gây ra sai phạm nghiêm trọng trong bầu cử ở Kiên Giang sẽ bị xử lý.

Tại cuộc bầu cử vừa qua Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã quyết định hủy kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử khu bỏ phiếu số 2, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang vì có vi phạm pháp luật nghiêm trọng (đã bầu lại trong ngày 5/6).

Trả lời phóng viên VOV.VN bên lề cuộc họp báo công bố kết quả bầu cử chiều 9/6, liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc vi phạm đã rõ và ai gây ra sai phạm sẽ bị xử lý.

“Vi phạm thì rõ rồi, tức việc anh gom phiếu đi bầu thay là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng. Vì thế Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết định huỷ kết quả và đã bầu lại ngày 5/6 vừa qua. Còn người nào gây ra việc đó thì theo Bộ luật Hình sự sẽ phải xử lý và thẩm quyền thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Trước băn khoăn về tính khách quan, đúng luật của kết quả bầu cử khi có thông tin còn tình trạng bầu hộ, bầu thay, ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo - Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, sau khi nhận được một số thông tin và đơn thư của công dân gửi lên Hội đồng Bầu cử Quốc gia nói có tình tạng bầu hộ, bầu thay, Hội đồng đã giao Uỷ ban Bầu cử các tỉnh kiểm tra.

Qua kiểm tra thấy rằng, có một số ý kiến nặc danh, có trường hợp trong gia đình có 6 người đi bầu cử nhưng do không hiểu biết, đi làm ăn xa nên có việc bỏ phiếu thay cho người thân.

“Việc đó có cái sai, tuy nhiên, cái sai này do sự không hiểu biết và không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử vì số phiếu không lớn, và Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Uỷ ban Bầu cử đã có chấn chỉnh” – ông Phùng Quốc Hiển cho biết và nhấn mạnh, ở nơi có tình trạng sai phạm nghiêm trọng thì Hội đồng đã quyết định huỷ bỏ kết quả để bầu lại.

“Như vậy, việc triển khai hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật” – ông Hiển khẳng định./.

Bộ luật Hình sự 2003 quy định:

Điều 126 . Tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân

1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 127. Tội làm sai lệch kết quả bầu cử

1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo Ngọc Thành

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên