Vi phạm pháp luật thuế, doanh nghiệp sẽ phải đối diện nhiều hệ lụy
Khi các cơ quan quản lý liên tục hoàn thiện các quy định của Luật Quản lý thuế, việc các doanh nghiệp còn có những hành vi vi phạm pháp luật về thuế sẽ phải đối diện nhiều hệ lụy…
- 12-07-2021Giải pháp nào cho 13 triệu lao động mất việc?
- 12-07-2021Hơn 40 doanh nghiệp đề nghị đầu tư vào Quảng Ninh, với tổng vốn trên 63 nghìn tỷ đồng
- 12-07-2021Bloomberg: Chỉ trong 5 năm, lượng người dùng ví di động tại Việt Nam và các nước láng giềng sẽ tăng 311%
Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, sau 10 năm (2010 – 2020), số cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế tăng gấp đôi; thu ngân sách tăng hơn 3 lần, số lượng và chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế đã được nâng cao rõ rệt hàng năm.
Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2018, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Thuế đã phát hiện có tổng số 642.423 doanh nghiệp vi phạm thuế thu nhập doanh nghiệp với số thuế thu nhập doanh nghiệp thu về hơn 35.900 tỷ đồng và giảm lỗ là 185.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2020, khi nền kinh tế và ngân sách Nhà nước bắt đầu chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, cơ quan thuế có chủ trương hạn chế thanh tra kiểm tra thuế tại doanh nghiệp nhưng số thu thuế từ thanh tra kiểm tra vẫn tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với việc bị công khai thông tin xử phạt vi phạm pháp luật thuế. Đây có thể xem là một biện pháp "răn đe" từ phía cơ quan thuế để cảnh tỉnh những người chủ và quản lý doanh nghiệp trước những hệ lụy doanh nghiệp phải đối mặt khi không tuân thủ pháp luật về thuế.
Trường hợp của Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House) thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình, khi doanh nghiệp này không chỉ bị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh truy thu gần 400 tỷ tiền thuế, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế và phong toả hoá đơn, mà còn khiến cổ phiếu của doanh nghiệp bị đưa vào diện cảnh báo, dẫn đến thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp giảm đáng kể.
Trường hợp của Thu Duc House thời gian qua là một ví dụ điển hình về những thiệt hại doanh nghiệp có thể phải đối diện - Ảnh minh họa
Đáng nói, nhằm xử lý sai phạm về thuế theo hướng minh bạch, quyết liệt hơn, thời gian vừa qua, các cơ quan thuế tại nhiều tỉnh, thành cũng đã phát đi hàng loạt cảnh báo về những hệ lụy khi cố tình gian dối để trốn thuế, trong đó, tình trạng hai giá khi giao dịch bất động sản đã được đưa vào "tầm ngắm", ngoài cảnh báo, thực tế không ít trường hợp đã bị cơ quan thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo các chuyên gia, bản thân doanh nghiệp chính là "nạn nhân" của hành vi vi phạm pháp luật về thuế, trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa luôn cố gắng tuân thủ luật thuế, vừa phải tối ưu hóa các chi phí (trong đó có chi phí thuế), một số doanh nghiệp qua thanh tra, kiểm tra đã bị phát hiện hành vi trốn thuế, gian lận thuế dẫn tới số thuế bị truy thu và phạt rất lớn.
Ngoài số tiền thuế bị truy thu, doanh nghiệp còn phải nộp các khoản tiền phạt và tiền chậm nộp tương ứng. Do vậy, số tiền thuế mà doanh nghiệp bị truy nộp vào ngân sách Nhà nước qua thanh tra, kiểm tra có thể còn lớn hơn nhiều số tiền thuế phải nộp theo đúng quy định khi doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thuế.
Đây là khoản tiền không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải giải quyết bài toán khó khăn về nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ngoài ra, giá trị và uy tín của doanh nghiệp cũng bị giảm sút, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, hoặc chuẩn bị chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) như trường hợp của Thu Duc House.
Cũng theo các chuyên gia, việc không tuân thủ các quy định về thuế sẽ tạo ra hệ luỵ trực tiếp đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Khi ngân sách bị thiếu hụt do doanh nghiệp không tuân thủ chấp hành đúng nghĩa vụ thuế sẽ tác động đến nguồn lực tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Những khoản tiền bị phạt khi có hành vi vi phạm pháp luật về thuế của các doanh nghiệp là không hề nhỏ, đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19 hiện nay - Ảnh minh họa
"Về dài hạn, việc vi phạm pháp luật thuế của nhiều doanh nghiệp cộng hưởng lại sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường, làm suy giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam. Yếu tố minh bạch, công bằng và thượng tôn pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư quyết định khi cân nhắc đầu tư vào các quốc gia. Vi phạm pháp luật thuế chính là nhân tố làm cản trở sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp tuân thủ tốt và tuân thủ kém", một chuyên gia nhận định.
Thực tế, trong năm 2021, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế tiếp tục hoàn thiện các quy định của Luật Quản lý thuế, rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế và quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý, phòng chống gian lận, trốn thuế, chống thất thu ngân sách Nhà nước. Bên cạnh những nỗ lực hướng đến sự phát triển bền vững trong dài hạn, cơ quan Thuế nhiều năm qua đã tăng cường các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, đồng thời quyết liệt hơn trong hành động để đảm bảo nguồn thu ngân sách trước bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài.
Thông tin với báo chí, ông Bùi Tuấn Minh – Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp nên chủ động soát xét, kiểm tra "sức khoẻ doanh nghiệp" một cách thường xuyên, nhằm kịp thời có các giải pháp khắc phục các vấn đề thuế phát sinh.
Theo ông Minh, việc soát xét này cần được thực hiện định kỳ tối thiểu 01 năm/lần, bao quát các sắc thuế để có phương án nâng cao tính tuân thủ, giảm thiểu rủi ro vi phạm pháp luật thuế. Đặc biệt, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: kinh doanh bán lẻ, xây dựng, sản xuất kinh doanh ô tô xe máy, doanh nghiệp đa ngành nghề; doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn, có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn hoặc các doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi thuế,… sẽ được cơ quan thuế tập trung thanh tra, kiểm tra thuế trong năm 2021.
"Nhằm đảm bảo hiệu quả của việc soát xét tuân thủ, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng dịch vụ của các công ty tư vấn thuế chuyên nghiệp, với hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực thuế, tài chính, kế toán, có nhiều kinh nghiệm triển khai tư vấn ở các doanh nghiệp tương tự cùng lĩnh vực, quy mô. Sự đồng hành của các đơn vị tư vấn không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế, nhận dạng triệt để các vấn đề rủi ro trọng yếu về thuế, mà còn tìm kiếm các cơ hội cho doanh nghiệp được hưởng lợi tốt hơn từ chính sách thuế như ưu đãi, miễn giảm thuế, hoàn thuế…", ông Minh chia sẻ.
Cũng theo ông Minh, Thông tư số 31/2021/TT-BTC về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế có hiệu lực từ 02/7/2021, cơ quan thuế đã công khai tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ thuế, tiêu chí phân loại mức độ rủi ro của doanh nghiệp để thực hiện đánh giá, phân luồng doanh nghiệp theo hành vi vi phạm để áp dụng các biện pháp kiểm soát, xử lý tương ứng. Do đó, các doanh nghiệp có thể tự rà soát, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro của mình dựa trên các tiêu chí này để điều chỉnh hành vi, khắc phục các sai sót nhằm nâng cao tính tuân thủ.
Diễn đàn Doanh nghiệp