Vì sao 12,2 tỷ USD các tập đoàn nhà nước đầu tư ra nước ngoài kết quả "chưa đạt kỳ vọng"?
"Hoạt động đầu tư ra nước ngoài năm 2019 so với năm 2018 chưa có nhiều chuyển biến tích cực và chưa đạt kỳ vọng đầu tư", Chính phủ đánh giá về hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước trong Báo cáo về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính.
- 10-10-2020Lợi nhuận 55 tập đoàn, tổng công ty nhà nước dự kiến giảm mạnh
- 10-10-2020Tạp chí Hoa Kỳ: 4 lý do Việt Nam thành công ngăn chặn Covid-19 dù nguồn lực hạn chế
- 10-10-2020Đầu tư thực tế của các tập đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam có thể lớn hơn nhiều so với thống kê
Báo cáo giải thích rõ nguyên nhân các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước chưa có nhiều chuyển biến và chưa đạt kỳ vọng là do: "ngoài những nguyên nhân khách quan (như chính trị, chính sách đầu tư nước sở tại...) thì nguyên nhân chủ quan là vấn đề về năng lực quản lý, quản trị rủi ro, năng lực dự báo thị trường và kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài".
Cụ thể, tính đến cuối năm 2019, có tất cả 23 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối có dự án đầu tư ra nước ngoài. 12,2 tỷ USD được các doanh nghiệp này thực hiện đầu tư tại 123 dự án. Các dự án chủ yếu ở các lĩnh vực như thăm dò và khai thác dầu khí, viễn thông, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản và hàng không...
Trong năm 2019, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư vốn ra nước ngoài số tiền là 273 triệu USD, chủ yếu tập trung tại 3 doanh nghiệp có số vốn đầu tư ra nước ngoài lớn là PVN (72 triệu USD); Viettel (188 triệu USD) và VRG (13 triệu USD).
Lũy kế đến ngày 31/12/2019, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện tại các doanh nghiệp là 6,161 tỷ USD (tương đương 50,47% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký); số còn phải tiếp tục đầu tư ra nước ngoài là 6,047 tỷ USD.
PVN có số vốn đầu tư ra nước ngoài luỹ kế là 3,124 tỷ USD (51%), Viettel đứng thứ hai với 1,795 tỷ USD (29%), VRG với 936 triệu USD, xếp vị trí thứ 3 (15 %).
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trước đó, PVN là đơn vị có số dự án đầu tư ở nước ngoài nhiều nhất với 27 dự án và tổng vốn đăng ký 7,1 tỷ USD. Các dự án PVN rót vốn tại nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí và một số dự án lĩnh vực khoáng sản khác.
Viettel và đơn vị thành viên là Viettel Global đã đầu tư 10 dự án mạng viễn thông tại Campuchia, Lào, Mozambique, Đông Timor, Cameroon, Burundi, Tanzania, Haiti, Myanmar, Peru và 3 dự án nghiên cứu phát triển tại Pháp, Mỹ, Nga. Các dự án viễn thông của Viettel tại các nước châu Phi đã hoạt động và bắt đầu có dòng tiền chuyển về nước. Các dự án tại Haiti, Mozambique và Cameroon đang trong quá trình hoàn vốn.
Còn VGR hiện đang thực hiện 23 dự án trồng cao su tại Lào, Campuchia, với số vốn hơn 1,3 tỷ USD. Trong số này, dự án tại Lào bắt đầu có lãi trước thuế.
Về kết quả, đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài đã có báo cáo thì số tiền chuyển về nước là 434 triệu USD, trong đó có 300 triệu USD của PVN và 114 triệu USD của Viettel. Số tiền thu từ lợi nhuận, cổ tức được chia và lãi cho vay là 234 triệu USD. Lũy kế đến ngày 31/12/2019, 9 doanh nghiệp đã có số thu từ các dự án tại nước ngoài chuyển về nước với số tiền 2,971 tỷ USD, bằng 48,6% vốn đầu tư đã thực hiện.
Tổng lợi nhuận của các dự án đầu tư nước ngoài có lãi trong năm 2019 đạt 583 triệu USD, tăng 7% so với năm 2018. Tổng số lỗ phát sinh năm 2019 của các dự án đầu tư ra nước ngoài báo lỗ là 154 triệu USD, tương đương 45% tổng số lỗ năm 2018 (352 triệu USD).
Báo cáo của Chính phủ đánh giá, lĩnh vực viễn thông, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ dầu khí, là các lĩnh vực có dự án phát sinh lãi; lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và khai thác khoáng sản có tỷ lệ dự án lãi thấp (11% và 17%). Lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí có giá trị đầu tư cao nhưng nhiều dự án không thành công, dừng, giãn tiến độ. Tuy nhiên, xét về lỗ lũy kế thì lĩnh vực viễn thông, trồng chế biến mủ cao su và lĩnh vực khai thác khoáng sản là những lĩnh vực còn nhiều dự án đang bị lỗ lũy kế.